Cách sử dụng các nút chức năng điều khiển trên ô tô

Việc có quá nhiều nút chức năng điều khiển trên ô tô dễ khiến nhiều người lúng túng, nhất là người lần đầu làm quen với xe.

Tuy nhiên nếu đã nắm rõ công dụng cũng như cách thức hoạt động thì người dùng hoàn toàn có thể nhanh chóng sử dụng một cách thành thạo.

Các chức năng cơ bản trên xe ô tô


Nút mở cốp xe

Với xe ô tô có cốp điện, bạn có thể mở cốp xe bằng nhiều cách như: nhấn nút mở cốp trên chìa khoá Smartphone; nhấn nút mở cốp ở cụm nút điều khiển trên taplo phía góc dưới bên trái vô lăng; nhấn nút mở cốp ở tay nắm trên cửa cốp; đá chân phía dưới cốp (với xe có chức năng đá cốp – Hands Free Access).

Nhấn nút mở cốp thường ở cụm nút điều khiển trên taplo phía góc dưới bên trái vô lăng
Nhấn nút mở cốp thường ở cụm nút điều khiển trên taplo phía góc dưới bên trái vô lăng

Khi nhấn hãy nhấn và giữ nút trong khoảng một giây. Khi cốp mở thường có đèn nhấp nháy kèm tiếng bíp vang lên. Nếu cốp đang mở mà nhấn tiếp lần nữa thì cốp sẽ dừng lại. Nhấn và giữ nút trong khoảng một giây cửa cốp sẽ đảo chiều vận hành và đóng lại. Trong trường hợp cốp gặp vật cản khi đang đóng hoặc mở thì sẽ đảo chiều vận hành. Đây là tính năng chống kẹt.

Xem thêm:

Nút mở nắp capo

Lẫy mở nắp capo ô tô thường nằm ở góc ngoài bên dưới bảng taplo phía ghế lái, gần vị trí đầu gối của người lái. Để mở nắp capo, đầu tiên kéo lẫy mở ở đây. Tiếp theo gạt lẫy ở nắp capo và nâng nắp capo lên. Sau khi xong việc chỉ cần hạ nắp capo xuống và nhấn mạnh để gài nắp vào chốt.

Lẫy mở nắp capo ô tô thường nằm ở góc ngoài bên dưới bảng taplo phía ghế lái
Lẫy mở nắp capo ô tô thường nằm ở góc ngoài bên dưới bảng taplo phía ghế lái

Nút mở nắp bình xăng

Lẫy mở nắp bình xăng ô tô thường nằm ở góc ngoài bên dưới bảng taplo phía ghế lái, gần vị trí đầu gối của người lái. Để mở nắp bình xăng, đầu tiên kéo lẫy mở ở đây. Tiếp theo ra chỗ cửa nạp bình xăng để mở và vặn xoay nắp bình xăng. Nếu khi vặn nghe tiếng xì hơi thì đợi đến khi hết tiếng xì hãy xoay tiếp để mở nắp bình.

Lẫy mở nắp bình xăng ô tô thường nằm ở góc ngoài bên dưới bảng taplo phía ghế lái
Lẫy mở nắp bình xăng ô tô thường nằm ở góc ngoài bên dưới bảng taplo phía ghế lái

Nút sưởi sấy kính Front/Rear

Xe ô tô có chức năng sấy kính chắn gió, một số xe còn có cả chức năng sấy kính sau. Chức năng này giúp xử lý hiện tượng kính xe bị mờ khi trời mưa, bị mờ khi xảy ra tình trạng nhiệt độ bên trong cabin chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài.

Nút sấy kính ô tô thường nằm chung với bảng điều khiển điều hoà. Nút FRONT là sấy kính trước. Nút REAR là sấy kính sau. Sau khi nhất nút sấy kính, bộ sấy sẽ hoạt động tầm 10 – 30 phút rồi tự động tắt tuỳ thuộc vào nhiệt độ ngoài xe.

Nút sấy kính ô tô thường nằm chung với bảng điều khiển điều hoà
Nút sấy kính ô tô thường nằm chung với bảng điều khiển điều hoà

Nút bật đèn, nháy đèn pha

Tất cả các loại đèn xe như đèn chiếu sáng phía trước, đèn xi nhan, đèn định vị ban ngày, đèn sương mù, đèn hậu… đều được điều khiển bằng cần điều khiển nằm ở bên trái phía sau vô lăng.

Xem chi tiết: Cách bật đèn pha, cách nháy đèn pha

Cần điều khiển đèn thường nằm ở bên trái phía sau vô lăng
Cần điều khiển đèn thường nằm ở bên trái phía sau vô lăng

Nút gạt nước/phun nước kính xe

Cần điều khiển gạt nước ô tô thường nằm ở bên phải phía sau vô lăng. Cần điều khiển gạt mưa có các chế độ sau:

  • MIST: Chế độ gạt sương mù – gạt nhanh cho đến khi nhả cần
  • OFF: Tắt
  • AUTO: Chế độ gạt tự động
  • INT: Chế độ gạt chậm và ngắt quãng
  • LO: Chế độ gạt chậm
  • HI: Chế độ gạt nhanh

Để bật/tắt gạt mưa hay thay đổi các chế độ gạt mưa chỉ cần đẩy lên hoặc kéo xuống cần điều khiển theo vị trí tương ứng với từng ký hiệu của các chế độ in trên cần. Để bật phun nước rửa kính hãy kéo cần điều khiển về phía người lái.

Cần điều khiển gạt nước ô tô thường nằm ở bên phải phía sau vô lăng
Cần điều khiển gạt nước ô tô thường nằm ở bên phải phía sau vô lăng

Nút đàm thoại rảnh tay

Chức năng đàm thoại rảnh tay trên ô tô giúp người lái có thể thao tác nghe/gọi trực tiếp qua các nút bấm trên vô lăng mà không cần cầm điện thoại. Điều này giúp hạn chế mất tập trung khi lái xe. Các nút điều khiển đàm thoại rảnh tay thường nằm ở cụm nút điều khiển bên trái trên vô lăng.

Các nút điều khiển đàm thoại rảnh tay thường nằm ở cụm nút điều khiển bên trái trên vô lăng
Các nút điều khiển đàm thoại rảnh tay thường nằm ở cụm nút điều khiển bên trái trên vô lăng

Nút khoá/mở cửa chính

Chức năng khoá/mở cửa chính ô tô giúp khoá hoặc mở đồng loạt tất cả các cửa xe và cửa hậu (cốp xe). Nút khoá/mở cửa chính thường nằm ở cụm nút điều khiển bố trí trên cửa phía ghế lái.

Nút khoá/mở cửa chính thường nằm ở cụm nút điều khiển bố trí trên cửa phía ghế lái
Nút khoá/mở cửa chính thường nằm ở cụm nút điều khiển bố trí trên cửa phía ghế lái

Nút bật/tắt khoá cửa kính điện

Cửa kính điện sẽ hoạt động khi khoá điện xe ở vị trí BẬT. Nút bật/tắt khoá cửa kính điện thường nằm ở cụm nút điều khiển bố trí trên cửa phía ghế lái. Khi nút khoá cửa điện ở vị trí tắt thì có thể đóng/mở cửa kính điện bằng công tắc ở mỗi cửa. Khi nút khoá cửa điện ở vị trí bật thì các công tắc đóng/mở cửa kính điện ở mỗi cửa đều bị vô hiệu hoá.

Nút bật/tắt khoá cửa kính điện thường nằm ở cụm nút điều khiển bố trí trên cửa phía ghế lái
Nút bật/tắt khoá cửa kính điện thường nằm ở cụm nút điều khiển bố trí trên cửa phía ghế lái

Xem thêm:

Nút khoá cửa trẻ em

Nhà sản xuất ô tô thường trang bị một lẫy nhỏ ở cửa sau để phòng ngừa trường hợp trẻ em tự mở cửa từ bên trong. Khi bật lẫy này, cửa xe chỉ có thể mở từ bên ngoài.

Nút khoá cửa trẻ em thường nằm ở cạnh cửa sau
Nút khoá cửa trẻ em thường nằm ở cạnh cửa sau

Nút chỉnh gương chiếu hậu ngoài

Đa phần xe ô tô hiện nay đều được trang bị chức năng chỉnh điện và gập điện ở gương chiếu hậu. Chức năng sẽ hoạt động khi khoá điện xe ở vị trí BẬT. Nút chỉnh gương chiếu hậu thường nằm ở cụm nút điều khiển bố trí trên cửa phía ghế lái.

Nhấn nút L/R để lựa chọn chỉnh gương chiếu hậu trái hoặc phải. Sau khi bật nút sang L hoặc R thì chỉnh gương lên/xuống, trái/phải bằng nút MIRROR. Cạnh đó có nút gập điện, nhấn nút này gương sẽ cụp vào trong. Nếu xe có chức năng tự động gập gương khi khoá cửa thì không cần thao tác này.

Xem thêm: Cách chỉnh gương chiếu hậu cho tầm nhìn tốt nhất

Nút chỉnh gương chiếu hậu ô tô thường nằm ở cụm nút điều khiển bố trí trên cửa phía ghế lái.
Nút chỉnh gương chiếu hậu ô tô thường nằm ở cụm nút điều khiển bố trí trên cửa phía ghế lái.

Nút chỉnh gương chiếu hậu trong

Người lái có thể chỉnh góc gương chiếu hậu trung tâm trong xe bằng cách gạt lẫy bên dưới gương. Gạt lên phù hợp để quan sát ban ngày. Gạt xuống giúp giảm chói đèn vào khi lái xe ban đêm.

Lẫy chỉnh gương chiếu hậu trong nằm ở phía dưới gương
Lẫy chỉnh gương chiếu hậu trong nằm ở phía dưới gương

Nút chỉnh ghế lái

Nút chỉnh ghế lái thường nằm ở dưới bên trái của ghế. Một số dòng xe hạng sang như Mercedes-Benz thì nút chỉnh ghế bố trí trên cửa xe. Chức năng chỉnh ghế lái cơ bản thường là chỉnh 6 hướng gồm: nâng cao/hạ thấp, tiến trước/lùi sau, độ ngả lưng ghế. Có thể chỉnh tay hoặc chỉnh điện tuỳ theo dòng xe. Một số dòng xe cao cấp còn có chức năng chỉnh ghế 8 hướng, 10 hướng hoặc 12 hướng.

Xem thêm: Hướng dẫn chỉnh ghế lái ô tô đúng cách ngồi không đau lưng

Nút chỉnh ghế lái ô tô thường nằm ở dưới bên trái của ghế
Nút chỉnh ghế lái ô tô thường nằm ở dưới bên trái của ghế

Nút bật điều hoà AC

Nút AC trên ô tô là nút để bật/tắt hệ thống điều hoà xe (Air Conditioner). Bảng điều khiển điều hoà thường nằm ngay trung tâm taplo hoặc tích hợp trong màn hình giải trí trung tâm. Bảng điều khiển điều hoà thường có các nút cơ bản sau:

  • Nút MODE: Điều khiển chế độ
  • Nút lấy gió trong
  • Nút lấy gió ngoài
  • Nút điều khiển chế độ quạt
  • Nút điều khiển nhiệt độ

Xem chi tiết: Hướng dẫn sử dụng điều hoà ô tô đúng cách

Bảng điều khiển điều hoà ô tô thường nằm ngay trung tâm taplo
Bảng điều khiển điều hoà ô tô thường nằm ngay trung tâm taplo

Nút cảnh báo nguy hiểm

Nút cảnh báo nguy hiểm trên ô tô là nút có biểu tượng tam giác màu đỏ, thường nằm ở vị trí trung tâm bảng taplo. Khi nhấn nút này, đèn Hazard – đèn cảnh báo nguy hiểm sẽ nhấp nháy để cảnh báo những phương tiện khác về nguy hiểm phía trước hoặc xe đang trong tình huống nguy hiểm.

Nút cảnh báo nguy hiểm trên ô tô thường nằm ở vị trí trung tâm bảng taplo
Nút cảnh báo nguy hiểm trên ô tô thường nằm ở vị trí trung tâm bảng taplo

Nút ENGINE START/STOP

Các dòng xe ô tô ngày nay đa phần được trang bị nút bấm khởi động động cơ ENGINE START/STOP và chìa khoá thông minh thay cho cách dùng chìa truyền thống. Cơ chế hoạt động của nút ENGINE START/STOP như sau:

  • Đạp phanh và nhấn nút: Nút bật, động cơ khởi động.
  • Không đạp phanh mà chỉ nhấn nút: Nút bật, động cơ không khởi động, chỉ khởi động hệ thống điện trên xe.
  • Chuyển cần số về P và nhấn nút: Nút tắt, động cơ tắt, vô lăng khoá, hệ thống điện tắt.
  • Cần số không về P và nhấn nút: Động cơ tắt, hệ thống điện còn hoạt động.
Nút ENGINE START/STOP thường nằm bên phải vô lăng trên taplo
Nút ENGINE START/STOP thường nằm bên phải vô lăng trên taplo

Nút ECO

Nhiều dòng xe ô tô hiện nay có chế độ ECO (hay ECON). Đây là chế độ lái xe tiết kiệm nhiên liệu bằng cách điều chỉnh hiệu suất động cơ. Nút ECO hoặc nút ECON dùng để bật/tắt chế độ này.

Nút ECON thường nằm trên taplo hoặc bệ cần số
Nút ECON thường nằm trên taplo hoặc bệ cần số

Nút phanh tay điện tử

Nhiều xe ô tô được hiện nay trang bị chức năng phanh tay điện tử (hay phanh đỗ tự động) thay thế cho phanh tay cơ truyền thống. Với chức năng này, phanh tay được điều khiển hoàn toàn tự động. Theo đó khi người lái chuyển cần số về P, hệ thống phanh tay sẽ tự động kích hoạt. Điều này này giúp tránh tình trạng người lái quên kéo phanh khi xuống xe hoặc nhả phanh tay khi bắt đầu cho xe chạy.

Nút phanh tay tự động có ký hiệu chữ P nằm trong vòng tròn. Nút thường được bố trí gần cần số hoặc trên bảng taplo xe. Trong trường hợp cần thiết như xe leo dốc, người lái có thể gài phanh thủ công bằng nút này. Kéo nút phanh lên để gài phanh. Sau khi gài phanh, đèn sẽ bật sáng. Để nhả phanh chỉ cần nhấn nút phanh xuống. Sau khi nhả phanh, đèn sẽ tắt.

Nút phanh tay điện tử thường được bố trí gần cần số hoặc trên bảng taplo xe
Nút phanh tay điện tử thường được bố trí gần cần số hoặc trên bảng taplo xe

Nút giữ phanh tự động Auto Hold

Chức năng tự động giữ phanh Auto Hold giúp tự động tác dụng một lực giữ phanh để ngăn xe di chuyển. Nhờ đó mà người lái không cần phải đạp chân phanh, có thể tranh thủ thư giãn chân. Chức năng giúp ích rất nhiều trong các tình huống tạm dừng xe như xe dừng đèn đỏ hay khi đón/trả khách…

Nút AUTO HOLD thường được bố trí gần trên bệ cần số, gần nút phanh tay điện tử. Nhấn nút này để bật giữ phanh tự động. Sau khi kích hoạt, đèn sẽ bật sáng. Nhấn tiếp lần nữa để nhả phanh. Sau khi nhả phanh, đèn sẽ tắt.

Nút AUTO HOLD thường được bố trí gần trên bệ cần số
Nút AUTO HOLD thường được bố trí gần trên bệ cần số

Lẫy chuyển số

Lẫy chuyển số sau vô lăng cho phép người lái thay đổi tạm thời từ hộp số tự động sang chế độ sang số tay. Khi cần số đang ở D, người lái kéo lẫy chuyển số thì sẽ chế độ sang số tay sẽ được kích hoạt và số được chọn hiển thị trên đèn báo số ở bảng đồng hồ sau vô lăng. Ký hiệu – là giảm số, ký hiệu + là tăng số.

Xem chi tiết: Cách sử dụng lẫy chuyển số trên vô lăng

Lẫy chuyển số sau vô lăng cho phép người lái sử dụng chế độ số tay
Lẫy chuyển số sau vô lăng cho phép người lái sử dụng chế độ số tay

Các tính năng an toàn trên ô tô


Hệ thống điều khiển hành trình Cruise Control

Hệ thống điều khiển hành trình Cruise Control giúp xe tự động duy trì theo một tốc độ mà người lái cài đặt sẵn. Khi này người lái không cần đạp chân ga. Còn Adaptive Cruise Control là một tính năng nâng cao hơn, giúp xe tự động điều chỉnh tốc độ để duy trì khoảng cách với xe phía trước.

Các nút điều khiển Cruise Control hay Adaptive Cruise Control thường nằm ở cụm nút điều khiển bên phải trên vô lăng.

Xem chi tiết: Cách sử dụng Cruise Control/Adaptive Cruise Control

Các nút điều khiển Cruise Control thường nằm ở cụm nút điều khiển bên phải trên vô lăng
Các nút điều khiển Cruise Control thường nằm ở cụm nút điều khiển bên phải trên vô lăng

Hệ thống cảm biến đỗ xe

Hệ thống cảm biến đỗ xe (Parking Aid Sensor) giúp theo dõi những vật cản xung quanh và cho người lái biết khoảng cách ước tính giữa xe với vật cản. Cảm biến có thể được lắp ở nhiều vị trí khác nhau như cảm biến góc trước, cảm biến góc sau, cảm biến trước, cảm biến sau… Số lượng cảm biến được lắp trên xe sẽ tuỳ vào tính toán của nhà sản xuất.

Cảm biến đỗ xe sẽ tự bật khi cần số xe chuyển về số R – số lùi. Nút bật/tắt cảm biến đỗ xe thường nằm ở cụm nút điều khiển trên taplo phía bên trái góc dưới vô lăng hoặc trên bệ cần số. Có thể nhấn nút này để bật/tắt cảm biến. Thông báo bật/tắt sẽ xuất hiện trên bảng đồng hồ sau vô lăng.

Nút bật/tắt cảm biến đỗ xe thường nằm ở cụm nút điều khiển trên bệ cần số
Nút bật/tắt cảm biến đỗ xe thường nằm ở cụm nút điều khiển trên bệ cần số

Hệ thống cân bằng điện tử

Hệ thống cân bằng điện tử VSC (Vehicle Stability Control) hay VSA (Vehicle Stability Assist) giúp ổn định xe khi vào cua, duy trì độ bám đường cao khi xe tăng tốc, khi lái xe đường trơn, lái xe đường mưa

Hệ thống VSC sẽ tự động khởi động khi xe chạy. Nút bật/tắt hệ thống cân bằng điện tử thường nằm ở cụm nút điều khiển trên taplo phía bên trái góc dưới vô lăng. Để bật/tắt VSC chỉ cần nhấn giữ nút này. Thông báo bật/tắt sẽ xuất hiện trên bảng đồng hồ sau vô lăng. Nếu tắt VSC xe vẫn phanh và vào cua bình thường nhưng khả năng bám đường sẽ không tốt khi bật VSC.

Xem chi tiết: Những lưu ý khi sử dụng xe có cân bằng điện tử ESP

Nút bật/tắt hệ thống cân bằng điện tử thường nằm ở cụm nút điều khiển trên taplo phía bên trái góc dưới vô lăng
Nút bật/tắt hệ thống cân bằng điện tử thường nằm ở cụm nút điều khiển trên taplo phía bên trái góc dưới vô lăng

Hệ thống khởi hành ngang dốc

Hệ thống khởi hành ngang dốc HAC (Hill Start Assist Control) giúp tác dụng lực phanh, ngăn xe bị tuột dốc trong lúc người lái chuyển từ chân phanh sang chân ga khi khởi hành ngang dốc. Hệ thống HAC giúp ích nhiều cả khi lái xe lên dốc lẫn lái xe xuống dốc.

Hệ thống HAC sẽ tự động bật khi xe chạy. Nút bật/tắt hệ thống khởi hành ngang dốc HAC thường nằm ở cụm nút điều khiển trên bệ trung gần cần số. Để bật/tắt HAC chỉ cần nhấn giữ nút này. Thông báo bật/tắt sẽ xuất hiện trên bảng đồng hồ sau vô lăng.

Xem chi tiết: Những điều cần biết về hệ thống khởi hành ngang dốc

Nút bật/tắt hệ thống khởi hành ngang dốc HAC thường nằm ở cụm nút điều khiển trên bệ trung gần cần số
Nút bật/tắt hệ thống khởi hành ngang dốc HAC thường nằm ở cụm nút điều khiển trên bệ trung gần cần số

Hệ thống hỗ trợ đổ đèo

Hệ thống hỗ trợ đổ đèo HDC (Hill Descent Control) giúp kiểm soát tốc độ khi đổ đèo. Chức năng này hạn chế tình trạng người lái kiểm soát tốc độ xe bằng cách rà phanh liên tục, gây cháy phanh, mất phanh.

Nút bật/tắt hỗ trợ đổ đèo HDC thường nằm ở cụm nút điều khiển trên bệ trung gần cần số hoặc trên taplo. Để bật/tắt HDC chỉ cần nhấn giữ nút này. Thông báo bật/tắt sẽ xuất hiện trên bảng đồng hồ sau vô lăng.

Nút bật/tắt hệ thống hỗ trợ đổ đèo HDC thường nằm ở cụm nút điều khiển trên bệ trung gần cần số
Nút bật/tắt hệ thống hỗ trợ đổ đèo HDC thường nằm ở cụm nút điều khiển trên bệ trung gần cần số

Hệ thống cảnh báo chệch làn đường

Hệ thống cảnh báo chệch làn đường LDW (Lane Departure Warning) giúp cảnh báo khi xe cắt ngang qua vạch phân chia làn đường hoặc chạy ra khỏi làn đường đang chạy. LDW thường cảnh báo bằng âm thanh bíp, tín hiệu rung hay các biểu tượng hình hoạ trên màn hình. Hệ thống này chủ yếu dùng camera để nhận diện vạch kẻ đường. Từ đó phân tích, đánh giá và đưa ra cảnh báo khi cần. Một số nhà sản xuất sử dụng cảm biến lazer hoặc tia hồng ngoại để thay thế.

Hệ thống cảnh báo chệch làn đường LDW sẽ tự động được kích hoạt khi: tốc độ xe thường từ 70 – 180 km/h, xe đang chạy trên đường thẳng hoặc cua nhẹ, đèn xi nhan tắt, không đạp phanh, cần gạt mưa không vận hành liên tục, đang duy trì tốc độ ổn định…

Nút bật/tắt hệ thống cảnh báo chệch làn đường LDW thường nằm trên bệ cần số hoặc ở cụm nút điều khiển trên taplo phía bên trái góc dưới vô lăng. Để bật/tắt LDW chỉ cần nhấn giữ nút này. Thông báo bật/tắt sẽ xuất hiện trên bảng đồng hồ sau vô lăng.

Nút bật/tắt hệ thống cảnh báo chệch làn đường LDW thường nằm trên taplo
Nút bật/tắt hệ thống cảnh báo chệch làn đường LDW thường nằm trên taplo

Xem thêm:

Hệ thống hỗ trợ duy trì làn đường

Hệ thống hỗ trợ duy trì làn đường LKA (Lane Keeping Assist System) giúp điều chỉnh xe khi chệch khỏi làn đường hoặc chủ động giữ cho xe đi đúng làn đường. Trong trường hợp không thể điều chỉnh hay giữ xe đi đúng làn đường, hệ thống sẽ kích hoạt phanh. LKA là một bước tiến cao hơn của LWD. Khi trang bị cho ô tô, LKA và LWD thường được tích hợp với nhau.

Nút bật/tắt hệ thống hỗ trợ duy trì làn đường LKA thường nằm trên bệ cần số hoặc ở cụm nút điều khiển bên phải trên vô lăng. Để bật/tắt LKA chỉ cần nhấn giữ nút này. Thông báo bật/tắt sẽ xuất hiện trên bảng đồng hồ sau vô lăng.

Nút bật/tắt hệ thống hỗ trợ duy trì làn đường LKA thường nằm trên bệ cần số
Nút bật/tắt hệ thống hỗ trợ duy trì làn đường LKA thường nằm trên bệ cần số

Hệ thống phanh giảm thiểu va chạm

Hệ thống phanh giảm thiểu va chạm CMBS (Collision Mitigation Braking System) giúp cảnh báo khi phát hiện khả năng va chạm và tự động giảm tốc độ xe để giảm thiểu hậu quả khi xác định chắc chắn va chạm sẽ xảy ra. CMBS chủ yếu hoạt động dựa trên camera và hệ thống cảm biến radar. Từ đó phân tích và đưa ra cảnh báo nếu phát hiện tốc độ xe và tốc độ xe hoặc người đi bộ phía trước chênh lệch từ 5 km trở lên.

Nút bật/tắt hệ thống cảnh báo chệch làn đường CMBS thường nằm trên taplo
Nút bật/tắt hệ thống cảnh báo chệch làn đường CMBS thường nằm trên taplo

Hệ thống CMBS sẽ tự động bật khi xe khởi động. Nút bật/tắt hệ thống cảnh báo chệch làn đường CMBS thường nằm trên vô lăng hoặc ở cụm nút điều khiển trên taplo phía bên trái góc dưới vô lăng. Để bật/tắt CMBS chỉ cần nhấn giữ nút này. Thông báo bật/tắt sẽ xuất hiện trên bảng đồng hồ sau vô lăng.

Minh Võ

Ảnh: Sưu tầm

Bình luận

Email của bạn sẽ không công khai.

*