10 câu hỏi “sống còn” không thể bỏ qua khi mua xe ô tô cũ

Theo chuyên gia, 10 câu hỏi sau sẽ giúp bạn phần nào đánh giá chính xác tình trạng xe cũng như quyết định đúng đắn việc có nên mua một chiếc xe ô tô cũ nào đó không?

Dưới đây 10 câu hỏi trọng yếu giúp bạn có được đánh giá, nhận xét chính xác nhất về chiếc xe ô tô cũ bạn dự định mua. Một số trong những câu hỏi này có thể được hỏi qua email hoặc điện thoại và một số được hỏi trực tiếp là tốt nhất.

1. “Bạn có cần bán chiếc xe ô tô này gấp không?”

Người chủ sở hữu xe luôn có ít nhất một lí do để bán xe của họ. Trong hầu hết các trường hợp, câu hỏi đầu tiên này cung cấp cho bạn một đánh giá sơ bộ về giá trị tổng thể của chiếc xe. Khi bạn sử dụng câu hỏi này, sẽ có 3 dạng câu trả lời sau thường thấy nhất:

  • “Tôi bán xe ngay vì đang cần tiền!”: Đây là câu trả lời có lợi cho người mua. Bạn có thể nói chuyện với những người này để hiểu rõ hơn “xế cưng”, khả năng mua bán thành công trong trường hợp này là khá cao.
  • “Tôi chưa cần bán vội nếu không được giá!”: Đây thường là những chiếc xe tốt, nhưng bạn sẽ có chút khó khăn để thương lượng về một mức giá thấp hơn. Vì các chủ sở hữu sẵn sàng chờ đợi để tìm người mua thích hợp.
  • Trường hợp cuối cùng là không cung cấp câu trả lời rõ ràng. Đây có thể là một dấu hiệu xấu. Nó có thể chỉ ra rằng có điều gì đó không ổn với chiếc xe và họ đang cố gắng bán nó gấp gáp. Theo kinh nghiệm, đây là một trong những loại xe ô tô cũ nên tránh mua.
Tìm hiểu lí do bán xe cũng là cách giúp bạn hiểu thêm về tình trạng xe
Tìm hiểu lí do bán xe cũng là cách giúp bạn hiểu thêm về tình trạng xe

2. “Chiếc xe ô tô cũ này đã qua tay bao nhiêu đời chủ rồi?”

Chẳng có gì ngạc nhiên khi bạn nhận được một danh sách dài các chủ sở hữu của chiếc xe ô tô cũ bạn đang có ý định mua. Mua xe cũ bạn phải chấp nhận thực tế này. Thông thường danh sách chủ sở hữu càng dài, chiếc xe càng có khả năng xuất hiện nhiều vấn đề. Đặc biệt, có một số xe cũ có hình thức tương đối mới và số chỉ công tơ mét tương đối thấp, nhưng đã có nhiều chủ sở hữu trước đó. Với những xe dạng này, bạn nên tìm hiểu sâu hơn vào các lịch sử hoạt động của xe, có khả năng lớn xe có trục trặc về máy móc, động cơ, dàn lạnh… hay từng va chạm tai nạn nặng.

3. “Xe có từng bị ngập nước hay đã đậu ngoài trời trong thời gian dài không?”

Môi trường hoạt động thường xuyên của xe ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng xe hiện tại. Đặc biệt đối với xe ô tô bị chết máy do ngập nước, bị thủy kích, nếu không phát hiện sớm rất có thể bạn sẽ rước thêm “cục nợ” vào người. Vì những hư hỏng nghiêm trọng sẽ có khả năng bất chợt xảy đến trong quá trình sử dụng. Tuy khá nhiều xe cũ hiện nay bị ảnh hưởng nặng nề do thời tiết. Nhưng để bán được giá, người bán có thể khéo léo che giấu những hư hại ấy một cách tinh vi. Vì thế, nếu xem xe ô tô cũ, bạn đừng để hình thức bóng bẩy đánh lừa thị giác và cảm nhận của bạn.

Xe bị ngập nước thì các bộ phận xe bị ảnh hưởng nặng nề
Xe bị ngập nước thì các bộ phận xe bị ảnh hưởng nặng nề

4. “Xe đã chạy được bao nhiêu kilomet?”

Chỉ số công tơ mét trên xe ít nhiều là một cơ sở đánh giá tình trạng xe, cũng như chi phí tu sửa khi có phát sinh hỏng hóc. Những xe có chỉ số kilomet lớn thường là xe có nhiều bộ phận bị mài mòn. Tuy nhiên ngày trước, số kilomet là một tiêu chí quan trọng khi chọn xe. Nhưng hiện nay giới chơi xe có cách gian lận đồng hồ công tơ mét về giá trị có lợi cho việc tăng giá bán xe ô tô cũ. Thế nên, đây chỉ nên là một yếu tố tham khảo. Trong trường hợp nếu mua xe cũ từ bạn bè, người thân, người đáng tin cậy thì chỉ số kilomet trên đồng hồ sẽ đáng tin hơn.

Chỉ số công tơ mét là một cơ sở quan trọng đánh giá độ hư hao của xe
Chỉ số công tơ mét là một cơ sở quan trọng đánh giá độ hư hao của xe

5. “Xe ô tô có từng bị va chạm, tai nạn hay không?”

Đây là câu hỏi mà bạn có thể sẽ không nhận được câu trả lời thật. Có thể chủ xe có cách trả lời giảm nhẹ tình trạng nghiêm trọng đã xảy ra với xe. Khi này, nếu nghi ngời câu trả lời, bạn nên kiểm tra thực tế xe dựa trên kinh nghiệm, hoặc có tư vấn từ người có chuyên môn để đánh giá chính xác xe. Ở nước ngoài, xe ô tô cũ luôn có một hồ sơ lịch sử đi kèm được quản lý dưới dạng số khung (VIN). Theo quy định nước ngoài, các thông số về lịch sử xe được đánh dấu vào các tấm nằm gần bảng điều khiển vị trí lái xe, trên khoang động cơ hoặc dán trên các khung cửa. Người mua có thể dễ dàng đánh giá xe ô tô. Nhưng ở Việt Nam vấn đề này chưa được hoàn thiện. Do đó chỉ dựa vào kinh nghiệm và chuyên môn để đánh giá.

Xe ô tô cũ bị va chạm nhưng có thể che giấu lịch sử va chạm khi “mông má” lại
Xe ô tô cũ bị va chạm nhưng có thể che giấu lịch sử va chạm khi “mông má” lại

Xem thêm Hướng dẫn đọc đúng số VIN để tránh bị lừa khi mua xe ô tô cũ

6. “Xe từng được sửa chữa những gì? Xe có từng bị thu hồi về hãng để sửa chữa hay không?”

Việc thu hồi xe (recall) về hãng để sửa chữa những sai sót là điều hết sức bình thường. Chúng ta không nên quá nghiêm trọng với những xe ô tô cũ đã từng được thu hồi. Thực tế thu hồi xe là việc xảy ra khá thường xuyên ở tất cả các hãng, thể hiện trách nhiệm của hãng đối với những lỗi tìm ra trong quá trình vận hành xe, dù là lỗi nhỏ nhất, để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình vận hành xe.

Việc thu hồi xe về hãng để khắc phục sai sót là một việc làm bình thường
Việc thu hồi xe về hãng để khắc phục sai sót là một việc làm bình thường

Khi có thông báo thu hồi thì chủ xe mang tới các đại lý hoặc gara ủy quyền để sửa lỗi, có khi cũng không cần tùy trường hợp cảnh báo lỗi nghiêm trọng hay không. Các lần thu hồi xe về hãng để sửa lỗi đều được ghi trong hồ sơ của xe. Bạn có thể truy cập trực tiếp vào trang website của hãng để tra cứu lịch sử thu hồi dựa theo số khung (VIN) của xe. Tuy nhiên nếu một chiếc xe có lịch sử thu hồi nhiều lần thì cũng là yếu tố nên cân nhắc.

Đối với những sửa chữa thông thường, có thể chủ sở hữu xe không nhớ hết. Một số người dùng cẩn thận, họ sẽ có sổ tay nhật ký sửa chữa. Dù trong trường hợp nào, bạn cũng nên hỏi về những lần sửa chữa nghiêm trọng hay tu bổ xe gần đây để giúp bạn có cái nhìn tổng thể về xe tốt hơn.

Một số mẫu xe ô tô từng bị lệnh triệu hồi về hãng khắc phục lỗi kỹ thuật bạn có thể tham khảo như Toyota Vios bị triệu hồi lỗi túi khí, Mazda 2 triệu hồi lỗi “cá vàng”…

7. “Có thể cho phép xe được kiểm tra bởi một người có chuyên môn hoặc một bên thứ ba không?”

Đây là câu hỏi bạn tuyệt đối đừng quên. Nếu bạn hỏi nhưng chủ xe không chấp nhận thì tốt nhất nên từ bỏ ngay ý định mua chiếc xe này. Hiện nay hầu hết người mua xe ô tô cũ đều có “cố vấn” tin cậy đi cùng khi đến xem xe. “Cố vấn” có thể là người thân có kinh nghiệm kiểm tra xe ô tô cũ hoặc thợ xe đáng tin cậy. Một người có chuyên môn sẽ giúp bạn xác định được bất kỳ khu vực có vấn đề của chiếc xe và cho bạn biết bạn có thể dùng xe lâu dài với vấn đề đó hay không.

Nên nhờ một cố vấn đáng tin cậy để kiểm tra xe
Nên nhờ một cố vấn đáng tin cậy để kiểm tra xe

Một số bộ phận bạn có thể kiểm tra ngay khi mua bán xe ô tô cũ như:

Kiểm tra màu sơn: Quan sát màu sắc thân xe. Nếu thân xe có màu khác nhau hoặc có nước sơn không phù hợp so với xe chính hãng thì rất có thể xe đã được sửa chữa hoặc thay thế. Bạn có thể mang theo một cục nam châm và đặt lên thân xe xem nó có dính vào tấm kim loại hay không. Nếu nam châm không dính thì vị trí đó có thể có một lớp độn dày bên dưới (phủ matit). Sau đó bạn quan sát, kiểm tra xem xe có bị gỉ không.

Kiểm tra nội thất và ngoại thất: Kiểm tra sự hoạt động của các thiết bị chạy bằng điện như cửa sổ, điều hòa không khí có tiếng ồn lạ không? Kiểm tra thân xe, khoang lốp dự phòng và khoảng chân trước xe có bị gỉ, hơi ẩm, hoặc mùi mốc, vì những khu vực này có xu hướng bị ngấm nước. Tất cả hư hỏng hoặc mất mát ở phần nội thất, ngoại thất xe bạn nên lưu lại để được giảm giá khi thương lượng.

Kiểm tra dưới khoang máy: Kiểm tra các vị trí tiếp xúc của dây có chắc chắn không và có bị rò rỉ chất lỏng không. Quan sát xem có vết nứt không và xem ống dây cứng hay giòn (cả hai đều là những dấu hiệu cần thay thế các bộ phận)? Nếu xuất hiện hạt dầu một là dấu hiệu của các vấn đề động cơ nghiêm trọng.

Xem thêm Tổng hợp tất cả những hạng mục cần kiểm tra khi mua ô tô cũ

8. “Xe có những giấy tờ nào đi kèm?”

Các tài liệu giấy tờ về xe ô tô cũ càng đầy đủ sẽ càng tốt. Hồ sơ bảo dưỡng sẽ cho biết những những sửa chữa, thay thế các thành phần của xe, kể cả việc thay dầu. Biên lai mua bán xe sẽ là bằng chứng cho thấy xe là một chiếc xe hợp pháp và cũng giúp bạn ước lượng số tiền dự kiến phải trả, cũng như số tiền cần để bảo dưỡng, duy trình xe thường xuyên. Giấy đăng ký xe sẽ giúp xác nhận đó có phải là xe chính chủ hay không.

Hiện nay việc quy định đi xe chính chủ là bắt buộc. Nếu ô tô bạn mua không thể làm thủ tục đăng ký sang tên, bạn sẽ bị xử phạt hành chính. Do đó, để tránh rắc rối sau này và để hoàn toàn yên tâm sử dụng, bạn nên yêu cầu những giấy tờ hợp pháp để sang tên chính chủ.

Các tài liệu giấy tờ về xe càng đầy đủ sẽ càng tốt
Các tài liệu giấy tờ về xe càng đầy đủ sẽ càng tốt

9. “Tôi có thể lái thử xe không?”

Đây là một câu hỏi đơn giản nhưng bắt buộc phải có trong quá trình chọn mua xe hơi cũ. Hầu hết 100% các chủ xe sẽ cho phép bạn lái thử xe. Bạn nên yêu cầu thêm thời gian lái thử, để thử lái nhiều địa hình và tốc độ khác nhau. Thỏa thuận càng chi tiết càng tốt. Khi được chủ sở hữu xe đồng ý, bạn có thể lái thử với “cố vấn” chuyên môn của mình.

Bạn nên yêu cầu lái thử xe trước khi thương lượng giá cả
Bạn nên yêu cầu lái thử xe trước khi thương lượng giá cả

Trước khi khởi hành, kiểm tra đèn pha. Ngoài ra có kiểm tra thêm nồng độ khí thải có nằm trong trong phạm vi cho phép của nhà nước không? Kiểm tra khói từ động cơ xe thải ra. Động cơ thải ra khói đen là do tình trạng có quá nhiều nhiên liệu dư thừa trong động cơ của xe và sau đó nó được giải phóng ra khỏi xe qua ống xả. Trường hợp này, động cơ cần phải được tu bổ lại tương đối nhiều.

Kiểm tra vô lăng, nếu cảm thấy vô lăng lỏng lẻo hoặc nếu vô lăng xe hơi hướng sang một bên trong khi lái xe thẳng hoặc hãm thì chắc chắn vô lăng của xe có vấn đề. Chú ý lắng nghe xem có những tiếng rít rè và rung động bất thường khi cho xe chạy ở tốc độ trung bình không? Ở tốc độ cao hơn, kiểm tra rung lắc của xe, xem xét sự chắc chắn của kết cấu xe. Ngoài ra, đừng quên tăng giảm tốc độ xe để kiểm tra gia tốc xe, hộp số, ly hợp. Một chiếc xe tốt thì gia tốc trơn tru và nhất quán, không giật. Kiểm tra phanh, đảm bảo bàn đạp phanh chắc chắn trên nhiều điểm dừng không?

10. “Có thể đưa ra một mức giá bán hữu nghị hơn không?”

Khi mua một chiếc xe ô tô cũ, bạn có nhiều lợi thế để đàm phán. Thông thường giữa giá rao và giá bán thực tế sẽ có độ chênh nhất định, từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng. Một nguyên tắc “ngầm” trong thương lượng mua bán xe ô tô cũ đó là nếu không giảm giá thì không mua. Nếu bạn đã kiểm tra kỹ xe, bạn có thể dùng các hiểu biết vừa có của mình về xe để đàm phán mức giá hợp lý cho cả hai bên.

Quốc Thuận