Đánh giá ngoại thất
Mazda CX-5 áp dụng ngôn ngữ KODO thế hệ mới nổi bật với triết lý “Less is more – càng đơn giản càng đẹp”. Ngôn ngữ thiết kế này đem đến cho Mazda CX-5 một diện mạo cực kỳ tinh tế và sang trọng.
Kích thước và trọng lượng
Mazda CX-5 sở hữu ngoại hình bề thế với kích thước tổng thể dài x rộng x cao lần lượt là 4.590 x 1.845 x 1.680 mm, chiều dài cơ sở 2.700 mm và bán kính quay vòng là 5.500 mm. Sự khác biệt giữa 2 phiên bản động cơ là ở trọng lượng xe. Đối với bản 2.0L, khối lượng không tải và toàn tải lần lượt là 1.550 kg và 2.000 kg, nhẹ hơn bản 2.5L (1.630-2.080 kg) 80 kg.
Nếu so sánh Mazda CX-5 với các đối thủ trong phân khúc, tầm vóc này có phần thua thiệt về tổng thể. CX-5 chỉ nhỉnh hơn Mitsubishi Outlander (1.695 x 1.810 x 1.720 mm) đôi chút về chiều rộng x cao. Tuy nhiên, kích thước này giúp cho mẫu xe SUV Nhật Bản này linh hoạt hơn khi di chuyển trên các đường phố hẹp.
Đầu xe
Đầu xe Mazda CX-5 gây ấn tượng mạnh mẽ với cặp đèn thần thái, liền mạch cùng với lưới tản nhiệt đen bóng lỗ nhuyễn mở rộng. Hốc gió dưới kết hợp với dải đèn sương mù chạy ngang dài tạo thành một hõm sâu ôm trọn đầu xe, được nâng đỡ bởi cản trước ốp nhựa thể thao, mang đến cảm giác bề thế và bệ vệ.
Cụm đèn trước
Hệ thống đèn Mazda CX-5 được đánh giá cao với cụm đèn trước LED sắc sảo, kết hợp dải đèn ngày LED đẹp mắt cùng đèn sương mù LED. Cụm đèn chính được trang bị đầy đủ tính năng tự động bật/tắt, tự động cân bằng góc chiếu. Các phiên bản Premium có thêm tính năng cao cấp đèn thích ứng thông minh. Bù lại bản thường có tính năng mở rộng góc chiếu tự động.
Thân xe
Thân xe Mazda CX-5 vẫn là sự kết hợp giữa vẻ mềm mại, sống động của những đường gân dập nổi, cùng vẻ mạnh mẽ, thể thao của phần ốp vòm bánh xe và thân dưới.
Gương và cửa
Gương chiếu hậu Mazda CX-5 tích hợp đầy đủ các tính năng chỉnh điện, gập điện và đèn báo rẽ. Trừ 2 phiên bản Deluxe và Luxury, các phiên bản còn lại có thêm tính năng sấy gương. Tay nắm cửa cùng màu thân xe, kính cửa sổ chạy viền đen bóng.
Mâm và lốp
Nâng đỡ Mazda CX-5 là bộ mâm mang thiết kế không quá lạ mắt nhưng khi kết hợp cùng diện mạo tổng thể của xe càng giúp xe tăng thêm nét sang trọng và đẳng cấp. Tất cả phiên bản CX-5 đều trang bị mâm 19 inch 5 chấu kép gân guốc đi cùng bộ lốp 225/55R19.
Đuôi xe
Đuôi xe Mazda CX-5 được tạo hình tròn trĩnh, đầy đặn. Điểm thu hút là phần cánh gió thể thao cùng cặp đèn hậu đồ hoạ LED bắt mắt. Đặc biệt là cản sau ốp chrome sáng bóng kết hợp bộ đôi ống xả kép nằm đối xứng. Đây là một chi tiết mà hãng Thaco đã “nội địa hoá” nhằm đáp ứng sở thích của số đông người dùng Việt.
Màu xe
Mazda CX-5 có tất cả 6 màu: đỏ, xám, trắng, nâu, xanh và đen.
Đánh giá nội thất Mazda CX-5
Cũng như ngoại thất, nhiều “khán giả” đánh giá Mazda CX-5 là mẫu xe sở hữu phần nội thất đẹp bậc nhất phân khúc, mang đến nhiều trải nghiệm và cảm giác cao cấp tương tự xe hạng sang.
Nội thất Mazda CX-5 vẫn phong cách tối giản hiện đại, sang trọng. Chất liệu sử dụng chủ yếu là nhựa, bọc da, ốp gỗ và viền mạ bạc.
Khu vực lái
Khu vực lái Mazda CX-5 không có sự thay đổi từ khi chuyển qua thế hệ thứ 2, vẫn mang phong cách gảy gọn, đậm chất thể thao. Vô lăng là dạng 3 chấu, được bọc da rất thẩm mỹ và kèm theo chức năng sưởi. Sau tay lái là cụm đồng hồ hiện đại hơn với màn hình hiển thị đa thông tin 7 inch kết hợp hai đồng hồ analog và digital.
Mazda CX-5 được trang bị các tính năng hỗ trợ lái xe như: chìa khoá thông minh & khởi động bằng nút bấm, kiểm soát hành trình Cruise Control, phanh tay điện tử tích hợp giữ phanh, gương chiếu hậu chống chói tự động… Riêng bản 2.0L Premium, 2.5L Signature có màn hình HUD hiển thị tốc độ trên kính lái.
Đến thời điểm hiện tại, Mazda CX-5 chỉ mới trang bị lẫy chuyển số trên các bản Premium Sport, Premium Exclusive, Signature Sport, Signature Exclusive. Việc thiếu đi lẫy chuyển số thể thao trên một số phiên bản là điểm trừ đối với mẫu xe chú trọng vào trải nghiệm lái này.
Ghế ngồi và khoang hành lý
Dù có thân hình lép vế so với các đối thủ trong phân khúc, nhưng độ rộng của không gian ghế ngồi không bị hạn chế. Hệ thống ghế Mazda CX-5 được bọc da cao cấp cho tất cả các phiên bản. Như tông màu nội thất chung, màu ghế Mazda CX-5 cũng màu đen.
Ở hàng ghế trước, ghế được chế tác theo kiểu dáng sang trọng và ôm người. Ghế lái CX-5 có thể chỉnh điện lên đến 10 hướng dù chỉ là trang bị tiêu chuẩn. Ghế phụ chỉnh điện 6 hướng và ghế lái nhớ 2 vị trí chỉ áp dụng ở các bản Premium 2.0L và 2.5L Signature.
Hàng ghế sau Mazda CX-5 có không gian khá rộng rãi ở khoảng để chân và cả khoảng sáng trần. Nếu ngồi 3 người lớn vẫn tương đối thoải mái. Tuy nhiên so với hàng ghế thứ hai của Honda CR-V thì vẫn chưa lý tưởng bằng. Cả ba vị trí ngồi đều được bố trí tựa đầu êm ái.
Khoang hành lý Mazda CX-5 ở mức tương đối ổn với thể tích 442 lít. Hàng ghế thứ hai có thể linh hoạt gập 4:2:4 để mở rộng không gian chứa đồ. Ngoài trừ bản Deluxe thì tất cả các phiên bản CX-5 đều trang bị cốp chỉnh điện, “đá cốp” tiện lợi.
Tiện nghi
Tương tự với Mazda 6 hay Mazda 3 thì Mazda CX-5 cũng đã nâng cấp màn hình giải trí lên 8 inch, dù không quá nổi trội trong phân khúc, nhưng đủ dùng cho không gian nội thất xe.
Hệ thống âm thanh Mazda CX-5 không làm người dùng thất vọng khi có đến 10 loa Bose cho âm thanh trầm ấm, trừ hai bản Deluxe và Luxury trang bị 6 loa thường. Xe có hệ thống Mazda Connect mới, tính năng định vị – dẫn đường GPS (không có ở bản Deluxe)…
Mazda CX-5 trang bị điều hoà tự động 2 vùng độc lập, có cửa gió cho hàng ghế sau. Tất cả phiên bản đều có cửa sổ chỉnh điện 1 chạm chống kẹt. Riêng cửa sổ trời, không xuất hiện trên hai bản Deluxe, Luxury, các bản còn lại đều được trang bị.
Đánh giá an toàn
Mazda CX-5 sở hữu hệ thống an toàn hiện đại hàng đầu phân khúc với đầy đủ phanh ABS/EBD/BA, hệ thống cân bằng điện tử, kiểm soát lực kéo, khởi hành ngang dốc, 6 túi khí, camera lùi, cảm biến trước/sau…
Bên cạnh đó ở lần nâng cấp này, bản tiêu chuẩn Mazda CX-5 Deluxe có thêm 2 tính năng cảnh báo phương tiện cắt ngang và cảnh báo điểm mù. Bản 2.0 Luxury và Premium còn có thêm gói an toàn i-Activsense với các tính năng kiểm soát hành trình thích ứng, cảnh báo điểm mù, cảnh báo chệch làn đường, hỗ trợ giữ làn đường, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, camera 360 độ…
Đánh giá vận hành
Mazda CX-5 vẫn sử dụng mô hình như trước với 2 tùy chọn động cơ 2.0L và 2.5L. Trong lần nâng cấp gần nhất, Thaco cho biết động cơ SkyActiv-G 2.0L đã được tinh chỉnh cải thiện hiệu suất đốt nhiên liệu 15%, mô men xoắn 15%.
- Động cơ SkyActiv-G 2.0L cho công suất cực đại đạt 154 mã lực tại 6.000 vòng/phút, mô men xoắn cực đại đạt 200 Nm tại 4.000 vòng/phút, kết hợp hộp số tự động 6 cấp, dẫn động cầu trước.
- Động cơ SkyActiv-G 2.5L cho công suất cực đại đạt 188 mã lực tại 6.000 vòng/phút, mô men xoắn cực đại đạt 252 Nm tại 4.000 vòng/phút, kết hợp hộp số tự động 6 cấp, dẫn động 2 cầu (AWD).
Động cơ và hộp số
*Kéo bảng sang phải để xem đầy đủ thông tin
Động cơ và hộp số CX-5 | 2.0L | 2.5L |
Động cơ | 2.0L Skyactiv-G | 2.5L Skyactiv-G |
Hộp số | 6AT | 6AT |
Mazda CX-5 vẫn tiếp tục duy trì 2 tùy chọn động cơ 2.0L và 2.5L. Với Mazda CX-5 bản 2.5L, xe vận hành mạnh mẽ, lái bốc. Khả năng tăng tốc tốt, đặc biệt từ dải tốc 30 – 40 km/h. Chỉ cần nhích nhẹ chân ga là cả chiếc xe trọng lượng hơn 1,5 tấn đã vọt lên nhanh chóng. Những pha cần vượt, người lái có thể hoàn toàn tự tin.
Còn với Mazda CX-5 2.0L có yếu không? Động cơ SkyActiv 2.0L sau lần tinh chỉnh vào năm 2019 đã tối ưu hơn. Xe vẫn đáp ứng sức mạnh ổn định, không có gì phải phiền lòng nếu không yêu cầu cao. Nhưng hiển nhiên so với bản 2.5L, bản 2.0L sẽ không bốc bằng, thể hiện rõ khi leo dốc, đi đường đèo núi hay cần vượt trên cao tốc. Nhưng với chế độ Sport, xe đạt lực đẩy tốt hơn.
Mazda CX-5 được trang bị hệ thống G-Vectoring Control Plus mới. Hệ thống này tác động vào động cơ cùng phanh giúp tăng sự ổn định của xe, nhất là trong các trường hợp chạy vận tốc cao, vào cua, thoát cua, chuyển làn.
Thật đáng tiếc là Mazda CX-5 ở Việt Nam chưa được bổ sung khối động cơ tăng áp 2.5L như tại thị trường Thái Lan.
Vô lăng
Mazda CX-5 sử dụng trợ lực lái điện, nhẹ khi đi phố, chắc tay hơn khi vận hành tốc độ cao. Vào năm ngoái, CX-5 cũng đã có những tinh chỉnh hệ thống lái nhằm mang đến cảm giác lái chân thực hơn. Khác với vô lăng Honda CRV phản hồi khá chi tiết, vô lăng Mazda CX-5 có xu hướng chiều chuộng, nịnh nọt người lái với cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng hơn.
Hệ thống treo, khung gầm
Ở lần nâng cấp mới nhất, CX-5 đã được tinh chỉnh lại hệ thống treo. Góc đặt giảm xóc thay đổi giúp tăng khả năng hấp thụ xung lực và tăng độ êm ái. Lò xo giảm chấn cũng được tăng cường giúp triệt tiêu ngoại lực tốt hơn.
Khả năng cách âm
Khả năng cách âm Mazda CX-5 nhận được nhiều đánh giá tốt. Xe đạt được độ cách âm môi trường tốt. Động cơ êm ái. Tuy nhiên, khi chạy tốc độ cao vẫn có tiếng vọng từ lốp xe vào cabin.
Mức tiêu hao nhiên liệu
Mức tiêu hao nhiên liệu Mazda CX-5 được đánh giá khá tiết kiệm, cụ thể tầm 7 – 10 lít/100km.
*Kéo bảng sang phải để xem đầy đủ thông tin
Mức tiêu thụ nhiên liệu CX-5 (100km/lít) | |
Trong đô thị | 10,27 |
Ngoài đô thị | 6,75 |
Hỗn hợp | 8,04 |
Các phiên bản
Mazda CX-5 có tất cả 7 phiên bản:
- 2.0L Deluxe
- 2.0L Luxury
- 2.0L Premium Active
- 2.0L Sport
- 2.0L Exclusive
- 2.5L Signature Sport
- 2.5L Signature Exclusive
Nên mua CX-5 phiên bản nào?
Trong các phiên bản Mazda CX-5, bản 2.0 Deluxe là thấp nhất, tiếp đến là 2.0 Luxury. So sánh Mazda CX-5 Deluxe và Luxury, giá bán chênh lệch tầm 40 triệu đồng. So với Luxury, bản Deluxe bị cắt giảm các trang bị như: không có ốp cản thể thao, không có định vị/dẫn đường GPS, không cốp sau chỉnh điện, âm thanh chỉ 6 loa thay vì 10 loa Bose.
Nếu yêu cầu không cao thì ngay từ bản CX-5 2.0 Deluxe đã đáp ứng được các nhu cầu sử dụng xe thông thường ở phân khúc này.Bản 2.0 Luxury với việc thêm một vài trang bị nâng cao sẽ tiện nghi hơn.
Còn nếu quan tâm đến sức mạnh vận hành thì có thể cân nhắc bản 2.5 Luxury. Phiên bản này có trang bị tương đương với 2.0 Luxury. Điểm khác biệt chủ yếu là động cơ mạnh mẽ hơn.
Nhưng để nói về trải nghiệm thực sự cao cấp thì phải bàn đến hai bản CX-5 2.0 Premium và 2.5 Signature Premium. Khác với kiểu sắp xếp truyền thống chỉ bản cao nhất mới “full option”, phiên bản 2.0 Premium cũng “full option” với trang bị tương đương bản cao cấp nhất là 2.5 Signature Premium. Trong đó nổi bật nhất là gói an toàn cao cấp i-Activsense.
So sánh CX-5 2.0 Premium và 2.5 Signature Premium sự khác biệt chủ yếu đến từ mặt vận hành. Phiên bản 2.5 Signature nổi trội hơn với động cơ 2.5L đi cùng hệ thống dẫn động 4 bánh toàn thời gian AWD. Nếu chủ yếu chỉ đi lại trong đô thị thì CX-5 2.0 Premium cũng đã đáp ứng tốt. Nhưng lý tưởng và hoàn hảo nhất thì vẫn là 2.5 Signature Premium.
Những năm gần đây, dòng xe crossover ngày càng được ưa chuộng, trở thành một xu hướng lựa chọn của người dùng xe Việt. Doanh số phân khúc crossover có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, vượt qua cả phân khúc sedan. Trong phân khúc crossover/SUV hạng C, Mazda CX-5 cạnh tranh với xe Honda CR-V, Hyundai Tucson, Mitsubishi Outlander, Nissan X-Trail… Bên cạnh đó, Mazda CX-5 cũng được so sánh với nhiều mẫu xe 7 chỗ hạng D như Hyundai SantaFe, Toyota Fortuner, Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport, Kia Sorento, Nissan Terra…
Hiện nay dù Mazda CX-5 là xe 5 chỗ còn Honda CRV là xe 5+2 chỗ nhưng đây vẫn là “cặp đôi” bị so sánh nhiều nhất và khiến nhiều người mua phân vân nhất.
Có nên mua Mazda CX-5?
So về cảm giác lái, Honda CR-V được nhiều người đánh giá cho trải nghiệm mạnh mẽ hơn. Đây cũng chính là lý do vì sao, CRV vẫn giữ được sức hấp dẫn cho tới giờ trước sự cạnh tranh như cơn lốc từ vẻ đẹp “quyến rũ” khó cưỡng của CX-5. Nhiều ý kiến đánh giá Mazda CX-5 không “bốc” như khối động cơ 1.5 Turbo của Honda CR-V.
So về khả năng gan lỳ, Mazda CX-5 cũng không bằng Nissan X-Trail. Nếu X-Trail như “người đàn ông lực điền” thì Mazda CX-5 lại đúng chất một “công tử hào hoa”. Dù là crossover nhưng X-Trail được Nissan đầu tư khá nhiều các công nghệ kiểm soát khung gầm, hệ dẫn động 4WD có thể lựa chọn cầu linh hoạt, giúp xe di chuyển qua địa hình khó một cách thoải mái. Trong khi Mazda CX-5 chỉ dùng hệ dẫn động AWD. Di chuyển qua đường gồ ghề, người lái Nissan X-Trail có thể tự tin mạnh tay “càn lướt” hơn, trong khi với Mazda CX-5 có lẽ cần sự kiên nhẫn, nhẹ nhàng hơn.
So về giá bán, Mazda CX-5 không cạnh tranh mạnh bằng Hyundai Tucson. Đặc biệt, dù Tucson có giá thấp hơn nhưng mặt trang bị không quá thua kém CX-5.
Nhưng Mazda CX-5 là mẫu xe trong phân khúc cân đối tốt nhất nhiều yếu tố. Xe không thực sự “đã chân” nhưng vẫn rất “sướng” với chế độ lái Sport. Song quan trọng hơn, cảm giác lái của Mazda CX-5 đánh đúng tâm lý đối tượng người dùng, đem đến điều mà họ thực sự cần.
Khi số ngày người ta phải bon chen giữa một đô thị đông đúc, chật chội cao hơn gấp nhiều lần so với số ngày rong ruổi đi xa để có thể tận hưởng cái gọi là “lái phấn khích”, thì có lẽ có người ta cần một chiếc xe nhẹ nhàng, linh hoạt hơn. Và trong phân khúc, khó mẫu xe nào có thể bì được với Mazda CX-5 về khoảng này. Từ thiết kế vô lăng, chân ga, chân phanh đến việc trang bị gói i-Activsense đều nhằm đem đến cho người lái cảm giác nhàn hạ, thảnh thơi nhất khi đi phố hay chạy đường trường.
Nếu bạn đang cần một chiếc xe offroad tốt, cứng cỏi, mạnh mẽ thì có lẽ một mẫu xe SUV sẽ hợp với bạn hơn. Nhưng nếu bạn đang cần một mẫu xe crossover để đi phố, một mẫu xe thiết kế bắt mắt thoát hẳn cái form cũ kỹ bề thế của xe oto Nhật, tiện nghi hiện đại, hệ thống an toàn đầy đủ, tiết kiệm nhiên liệu… thì Mazda CX-5 chính là sự lựa chọn bạn đang cần tìm.
Đánh giá của người dùng
Dưới đây là những đánh giá thực tế của người dùng Mazda CX-5 mà chúng tôi thu thập được trên Internet:
Anh Nguyễn Văn Đức: “Mình dùng mazda CX-5 Signature chạy hơn 3 vạn km, rất đáng tiền với phân khúc xe tầm cận trung. Kiểu dáng xe khá đẹp, chơi màu đỏ thì bao bắt mắt luôn.”
Anh Linh Bùi: “Tầm dưới 1 tỷ thì CX-5 là chấp nhận được. Có mấy điểm mà cá nhân mình thấy chưa ổn lắm đó là: Vô lăng lái hơi nặng. Chuyển số còn chậm nên khi tăng ga có chút giật xe. Xe chạy trên 100km có cảm giác hơi bồng bềnh. Istop không tiện lắm, cam360 mờ. Radio lúc nào cũng mở k tắt hẳn được, khắc phục là bấm mute nhưng đó là cắt tiếng còn bản thân radio vẫn đang chạy, ghế sau cố định, tựa ít. Về dáng nhìn gần thì k có gì như nhìn ngang xe thì trông không đẹp mấy, khoảng đầu hơi dài, phần thân xe hơi ngắn, trông như con bọ ngựa. Máy thì ban đầu khởi động nổ rất to khoảng nửa phút.”
Anh Đức Vũ: “Đẹp, ngoại thất trường tồn, ổn mà không cần rườm rà, công nghệ an toàn đảm bảo, cảm giác lái chắc tay và rất thật.”
Anh Thanh Tùng: “Ngoại hình khá đẹp nhưng mà lúc ngồi lên thì thấy hơi bồng bềnh tí, người nào mà hay say xe chắc là phải nôn mất thôi.”
Lỗi xe Mazda CX-5
Theo thông tin từ báo Dân Trí, cuối tháng 5/2023, Mazda Việt Nam đã có một cuộc triệu hồi lớn. Những chiếc xe bị triệu hồi được lắp ráp trong nước từ ngày 21/10/2017 – 28/12/2018 và giai đoạn 4/1/2019 – 30/12/2019. Nguyên nhân của lần triệu hồi này được xác định là do cánh bơm làm từ nhựa chưa đảm bảo chất lượng, có thể xuất hiện các vết nứt. Điều này dẫn tới cánh bơm nguy cơ bị biến dạng do tác dụng của xăng. Khi đó có thể va chạm với thân bơm, khiến bơm nhiên liệu không hoạt động và làm xe chết máy.
Câu hỏi thường gặp về Mazda CX-5
Mazda CX-5 giá lăn bánh bao nhiêu?
Trả lời: Giá lăn bánh Mazda CX-5 từ 827.000.000 VNĐ.
Mazda CX-5 có ồn không?
Trả lời: Theo nhiều người dùng đánh giá Mazda CX-5 hơi ồn khi chạy ở tốc độ cao. Đây vốn là nhược điểm chung. Một số ý kiến cho rằng có thể cải thiện độ ồn bằng cách thay lốp.
Mazda CX-5 có tốn xăng không?
Trả lời: Mazda CX-5 được đánh giá cao ở khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Mức tiêu thụ xăng trung bình của CX-5 tầm 7 – 9 lít/100km.
Mazda CX-5 có cảm biến áp suất lốp không?
Trả lời: Mazda CX-5 có cảm biến áp suất lốp tuy nhiên không báo chỉ số cụ thể ở từng lốp. Do đó nếu muốn theo dõi chính xác áp suất ở từng lốp bạn có thể trang bị thêm bộ cảm biến áp suất lốp xe riêng.
Bình xăng CX-5 bao nhiêu lít?
Trả lời: Mazda CX-5 các bản 2.0 có bình xăng dung tích 56 lít, các bản 2.5 dung tích 58 lít.