Đã có không ít vụ xe ô tô tự bốc cháy xảy ra gây lo lắng cho nhiều người. Đa phần các vụ việc này bắt nguồn từ những nguyên nhân sau.
Các nguyên nhân xe ô tô bốc cháy
Chập điện
Chập điện là một trong các nguyên nhân cháy xe thường gặp nhất. Khi hệ thống điện trên xe ô tô bị chập sẽ phát ra tia lửa điện. Tia lửa này có thể bắn vào những vật chất dễ cháy xung quanh khiến đám cháy nhanh chóng bùng lên và lan rộng.
Có nhiều nguyên nhân chập điện ô tô như chuột cắn vỏ dây khiến lõi dây bị hở, cường độ dòng điện lớn đột ngột làm nóng dây, thợ sửa chữa không xiết chặt ốc tiếp mát, tự ý độ thêm thiết bị sai quy chuẩn gây quá tải cho hệ thống điện… Ngoài ra đi xe vào vùng ngập nước, các điểm đấu nối, giắc cắm bị nhiễm nước cũng có thể gây chập điện phát sinh cháy nổ.
Bộ chuyển đổi khí thải bị quá tải
Động cơ ô tô bị trục trặc làm việc không hiệu quả khiến bộ chuyển đổi khí thải quá tải có thể gây cháy nổ xe. Bởi khi bộ chuyển đổi khí thải bị quá tải, nhiệt độ sẽ tăng cao vượt ngưỡng cho phép.
Động cơ quá nhiệt
Động cơ quá nhiệt là một trong các nguyên nhân xe bốc cháy. Để quá trình đốt cháy hỗn hợp nhiên liệu và không khí đạt hiệu quả tốt nhất nhiệt độ động cơ cần tăng lên và duy trì ở một mức nhiệt độ cao nhất định. Thông thường với xe máy xăng, nhiệt độ động cơ lý tưởng tầm 80 độ C, với xe máy dầu Diesel là 90 độ C.
Tuy nhiên nếu nhiệt độ cơ tăng quá cao, vượt ngưỡng cho phép ngược lại sẽ gây hại nghiêm trọng cho động cơ, không chỉ thế còn có thể khiến xe bị bốc cháy. Bởi khi này vì xe bị nóng máy nên các chi tiết nhựa, vòng đệm cao su dễ nóng chảy khiến các chất lỏng bên trong như nhiên liệu, dầu nhớt rò rỉ ra ngoài gây ra cháy nổ.
Có nhiều nguyên nhân khiến động cơ ô tô bị quá nhiệt như: xe bị thiếu nước làm mát, két nước bị bẩn, van hằng nhiệt lỗi, quạt két nước trục trặc, bơm nước làm mát yếu/hỏng, xe bị thiếu dầu động cơ, thời tiết quá nóng…
Ống xả bị hở
Ống xả ô tô bị hở sẽ khiến khí xả chưa được xử lý lọt ra ngoài. Khí xả thải ra từ động cơ ô tô vốn có nhiệt độ rất cao. Trong trường hợp này nếu vô tình tiếp xúc với các vật dễ cháy trên đường như rơm, giấy, túi nilon… thì có thể bốc cháy.
Dây cao áp bị lỗi
Dây cao áp trong hệ thống đánh lửa ô tô khá “nhạy cảm”. Nếu dây cao áp xuống cấp hoặc sử dụng dây cao cấp kém chất lượng khi gặp nhiệt độ cao, áp lực điện tải lớn, dây cao áp sẽ có thể bị nứt và bắt lửa. Đây được xem là một trong các nguyên nhân xe ô tô bốc cháy dễ gặp phải.
Dùng nhiên liệu giả, kém chất lượng
Vô tình sử dụng xăng giả, nhiên liệu kém chất lượng cũng là một trong các nguyên nhân xe ô tô bốc cháy thường gặp. Theo chuyên gia, hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu trong ô tô được thiết kế sử dụng cho xăng thật, không phải xăng giả. Do đó nếu xe đổ xăng giả, các gioăng cao su có thể bị nở ra gây rò rỉ xăng. Khi xăng rò rỉ chỉ cần gặp một tia lửa điện là sẽ phát cháy.
Xem thêm:
- Khi nào nên thay lọc gió ô tô?
- Cách xử lý khi xăng bị nhiễm nước
- Có nên dùng phụ gia xăng, phụ gia dầu Diesel ô tô?
Rò rỉ xăng
Một nguyên nhân xe tự bốc cháy khác đó xe bị rò rỉ xăng. Bởi khi xăng bị rò rỉ ra ngoài sẽ bay hơi nếu gặp phải tia lửa điện thì rất dễ xảy ra cháy nổ. Có nhiều nguyên nhân khiến xe bị rò rỉ xăng. Trong đó phổ biến là các vòng đệm, đường ống xuống cấp, hao mòn, bị hở khiến xăng rò rỉ ra ngoài.
Lỗi kỹ thuật từ nhà sản xuất
Một số lỗi trong thiết kế, sản xuất và nhất là lắp ráp có thể khiến xe ô tô bị cháy nổ. Dù khá hi hữu nhưng nguyên nhân khiến ô tô bốc cháy này không hẳn không có. Tuy nhiên phần lớn các lỗi kỹ thuật từ nhà sản xuất thường được kịp thời khắc phục thông qua các đợt triệu hồi.
Để các chất dễ cháy nổ trong xe
Để các đồ vật như bật lửa, hoá chất, nước hoa, bình ga, thậm chí chai nước suối hay bình cứu hoả mini trong xe nếu không cẩn thận có thể gây cháy nổ xe. Bởi khi đậu xe dưới trời nắng nóng, nhiệt độ cabin ô tô có thể tăng cao hơn 60 – 70 độ C. Nếu các vật này nằm ngay vị trí ánh nắng trực tiếp chiếu vào thì sẽ dễ bị bốc cháy, phát nổ.
Cách phòng tránh cháy nổ ô tô
Thường xuyên kiểm hệ thống điện
Hệ thống điện cần được quan tâm kiểm tra thường xuyên để đảm bảo hoạt động ổn định và an toàn, tránh các trường hợp rò rỉ điện gây cháy nổ ô tô. Khi kiểm tra cần chú ý các dây điện có bị chuột cắn, bị nứt, xuống cấp không. Nếu có cần thay thế càng sớm càng tốt. Dây cao áp của hệ thống đánh lửa thường xuyên chịu nhiệt độ và điện áp cao nên cũng cần kiểm tra kỹ.
Tránh “độ chế”, lắp thêm các thiết bị điện
Khi tự ý “độ chế”, lắp thêm các thiết bị điện đồng nghĩa với việc đã can thiệp thay đổi hệ thống điện nguyên bản trên xe. Điều này rất nguy hiểm bởi có thể gây chập cháy nếu hệ thống bị quá tải, đấu nối sai cách hay sử dụng thiết bị điện kém chất lượng… Do đó nên hạn chế độ thêm các thiết bị điện.
Xem thêm:
- Hiện tượng xe bị rung giật cho biết xe đang bị lỗi gì?
- Các nguyên nhân khiến xe ô tô hao xăng bất thường
- Xe ô tô chạy yếu lý do vì đâu?
Trong trường hợp cần nâng cấp các thiết bị điện trên xe như độ đèn xe, nâng cấp loa, nâng cấp màn hình DVD ô tô, lắp bộ Start Stop… thì nên ưu tiên chọn loại thiết bị đảm bảo chất lượng (tránh dùng các loại hàng trôi nổi), đồng thời chú ý lắp đặt đúng kỹ thuật.
Hạn chế đỗ xe lâu dưới trời nắng nóng
Theo một nghiên cứu tại Mỹ, nếu xe đậu dưới trời nắng nóng trong khoảng 60 phút thì nhiệt độ taplo có thể tăng lên gần 70 độ C. Mức nhiệt độ này có thể làm biến dạng đồ nhựa, biến đổi hoá chất, thậm chí nổ bình cứu hoả. Do đó để tránh các rủi ro xe cháy nổ nên hạn chế đỗ xe lâu dưới trời nắng nóng. Trong trường hợp bất khả kháng nên sử dụng tấm che nắng kính lái hay bạt phủ ô tô để giảm nhiệt cho xe.
Kiểm tra, vệ sinh khoang máy, gầm xe thường xuyên
Khi xe di chuyển, các di vật lạ rất dễ bị cuốn vào khoang máy, gầm xe và mắc kẹt bên trong. Điều này dễ ảnh hưởng đến quá trình tản nhiệt, tăng nguy cơ cháy nổ. Vì thế nên thường xuyên kiểm tra, vệ sinh khoang máy, gầm xe ô tô.
Bảo dưỡng xe định kỳ
Kiểm tra và bảo dưỡng xe định kỳ rất quan trọng. Bởi bảo dưỡng xe không chỉ giúp xe luôn vận hành ổn định mà còn giảm thiểu được các rủi ro hư hỏng, cháy nổ. Do đó nên đưa xe đi bảo dưỡng theo đúng theo lịch khuyến nghị của nhà sản xuất.
Minh Phạm