Lọc gió ô tô là gì? Cách vệ sinh và thay lọc gió động cơ ô tô

Lọc gió ô tô nếu không được vệ sinh hay thay mới định kỳ sẽ dễ bị nghẹt tắc khiến xe nóng máy, tăng tốc yếu, hao xăng hơn…

Lọc gió ô tô là gì?

Lọc gió ô tô (air filter) hay còn gọi là lọc gió động cơ ô tô, thường được lắp đặt trong khoang động cơ của ô tô, ngay dưới nắp capo. Nó đóng vai trò như một “lá phổi”, giúp làm sạch không khí bằng cách ngăn chặn bụi bẩn và các tạp chất khỏi xâm nhập vào buồng đốt của động cơ.

lọc gió ô tô
Lọc gió động cơ ô tô bị bẩn sau thời gian dài sử dụng

Theo thời gian, bụi bẩn và các tạp chất sẽ tích tụ trên bề mặt của bộ lọc gió. Nếu không được vệ sinh hoặc thay thế thường xuyên, chúng sẽ làm tắc nghẽn các lỗ thông khí, cản trở luồng không khí vào buồng đốt của động cơ. Điều này có thể dẫn đến sự sai lệch trong tỷ lệ hòa khí, làm giảm hiệu suất của động cơ, gây ra hiện tượng nóng máy và sự tích tụ muội than trong buồng đốt.

Vai trò của lọc gió động cơ ô tô 

Nâng Cao Chất Lượng Không Khí

Lọc gió ô tô có vai trò làm sạch không khí trước khi nó được đưa vào buồng đốt và kết hợp với nhiên liệu. Khi lọc gió hoạt động hiệu quả, chất lượng và lưu lượng không khí sạch đi vào động cơ sẽ được cải thiện, từ đó giúp tăng hiệu suất của động cơ một cách đáng kể.

Gia Tăng Tuổi Thọ Cho Các Bộ Phận Động Cơ

Nếu không được lọc qua bộ lọc gió, không khí sẽ mang theo nhiều tạp chất vào buồng đốt, có thể gây hại cho quá trình đốt cháy và làm giảm độ bền của các bộ phận động cơ. Do đó, lọc gió giúp kéo dài tuổi thọ của các chi tiết máy trong động cơ.

Tối Ưu Hóa Việc Tiết Kiệm Nhiên Liệu

Lọc gió động cơ ô tô đóng vai trò như một “hàng rào bảo vệ” chính, ngăn chặn các tạp chất và bụi bẩn có hại từ không khí xâm nhập vào buồng đốt. Những tạp chất này không chỉ làm giảm hiệu suất hoạt động của động cơ mà còn tăng mức tiêu hao nhiên liệu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc sử dụng bộ lọc gió động cơ hiệu quả có thể giúp xe tiết kiệm nhiên liệu lên đến 14%.

Lọc gió động cơ ô tô bao lâu thì vệ sinh/thay một lần 

Theo các nhà sản xuất khuyến nghị nên vệ sinh lọc gió ô tô sau mỗi 5.000 km vận hành và thay mới sau mỗi 20.000 km vận hành. Tuy nhiên nếu xe thường xuyên hoạt động trong môi trường khói bụi ô nhiễm nhiều thì thời gian vệ sinh và thay lọc gió có thể sớm hơn. Ở Việt Nam, một số thợ kỹ thuật cho lời khuyên nên vệ sinh lọc gió sau mỗi 3.000 km và thay mới sau mỗi 15.000 km.

Xem thêm:

Nên thay lọc gió ô tô sau mỗi 15.000 km
Nên thay lọc gió ô tô sau mỗi 15.000 km

Cách vệ sinh lọc gió động cơ ô tô 

Bước 1: Tháo và đưa lọc gió ra ngoài 

Hộp bảo vệ lọc gió thường được cố định bằng ngàm. Do đó để tháo lọc gió chỉ cần bật ngàm là có thể mở nắp và lấy lọc gió ra ngoài.

Bước 2: Dùng vòi xịt hơi để vệ sinh lọc gió 

Dùng vòi xịt hơi để thổi sạch các bụi bẩn bám trên màng lọc. Xịt theo hướng từ trên xuống dưới theo các rãnh và từ trong ra ngoài. Lưu ý tuyệt đối không dùng nước hay bất kỳ dung dịch gì để làm sạch lọc gió vì hầu hết lọc gió xe ô tô làm bằng giấy dầu nên rất kỵ nước.

Bước 3: Lắp lại lọc gió vào vị trí ban đầu 

Sau khi vệ sinh sạch bụi bẩn bám trên màng lọc tiến hành lắp lại lọc gió vào vị trí cũ. Gắn ngàm như ban đầu.

Vị trí lọc gió động cơ ô tô thường nằm sau cửa hút gió, phía sau lưới tản nhiệt
Vị trí lọc gió động cơ ô tô thường nằm sau cửa hút gió, phía sau lưới tản nhiệt

Cách thay lọc gió động cơ ô tô 

Bước 1: Tháo và đưa lọc gió cũ ra ngoài 

Hộp bảo vệ lọc gió thường được cố định bằng ngàm. Do đó để tháo lọc gió chỉ cần bật ngàm là có thể mở nắp và lấy lọc gió ra ngoài.

Bước 2: Vệ sinh hộp đựng lọc gió

Tháo lọc gió cũ ra khỏi hộp. Trước khi lắp lọc gió mới vào hộp thì cần vệ sinh sạch sẽ hộp đựng lọc gió.

Bước 3: Lắp lọc gió mới vào hộp 

Khi thay lọc gió mới chú ý lắp đúng mặt
Lắp lọc gió mới vào hộp

Lắp lọc gió mới vào hộp. Chú ý lắp đúng mặt của lọc gió và phốt cao su xung quanh phải kín hoàn toàn.

Bước 4: Lắp lại lọc gió vào vị trí 

Lắp lại lọc gió vào vị trí cũ. Chú ý lắp đúng vị trí, không để lọc bị vênh. Cuối cùng đậy nắp lọc gió và gài ngàm khóa lại.

Lưu ý khi sử dụng lọc gió động cơ ô tô 

  • Thời gian thay thế định kỳ: Để đảm bảo hiệu quả hoạt động của động cơ, bạn nên thay thế lọc gió đúng theo lịch bảo dưỡng của nhà sản xuất hoặc hãng dịch vụ ô tô khuyến nghị. Lọc gió bẩn có thể làm giảm hiệu suất vận hành của động cơ và tăng mức tiêu hao nhiên liệu.
  • Sử dụng lọc gió chất lượng: Lựa chọn lọc gió chất lượng cao và phù hợp với động cơ của bạn để đảm bảo khả năng lọc tối ưu và bảo vệ cho hệ thống động cơ.
  • Kiểm tra và vệ sinh định kỳ: Ngoài thay thế, hãy kiểm tra và vệ sinh lọc gió thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất tích tụ trên màng lọc. Điều này giúp duy trì hiệu suất và tuổi thọ của lọc gió.
  • Bảo vệ môi trường: Khi thay thế lọc gió cũ, hãy tuân thủ các quy định về xử lý và tái chế để bảo vệ môi trường.
  • Kiểm tra lọc gió khi có dấu hiệu bất thường: Nếu bạn cảm thấy xe chạy không êm, tiếng động động cơ lạ hoặc tiêu thụ nhiên liệu tăng đột ngột, hãy kiểm tra lọc gió để xem liệu có cần thay thế sớm hơn thời gian bảo trì định kỳ không.

Vinh Phan

2 Comments

  1. Lọc gió , lọc dầu máy và phụ tùng thay thế của Mitsubishi đắt ghê ghớm chớ dại nghe tư vấn của đại lý khi bảo dưỡng định kỳ toàn xui thay phụ tùng để bán mặc dù vẫn cong sử dụng tốt

  2. Nguyễn hoàng quân

    Xe civic 2016 mới vệ sinh lọc gió động xong thì bị hao xăng nguyên nhân do đâu

Bình luận

Email của bạn sẽ không công khai.

*