Lái xe đường sương mù được xem là “tử thần giấu mặt” trên các cung đường, để an toàn cần có kinh nghiệm, kỹ năng nhất định.
Những nguy hiểm khi lái xe đường sương mù
Hiện tượng sương mù thường xuất hiện khi có sự chênh lệch độ ẩm không khí. Hiện tượng này đa phần xảy ra vào trời sáng sớm hay chiều tối, xuất hiện vào mùa xuân và mùa đông. Ở các khu vực vùng cao nước ta rất thường có sương mù.
Trời sương mù sẽ khiến tầm nhìn người lái bị hạn chế, cao nhất cũng chỉ khoảng 5 – 7 m. Đường sá trơn trượt hơn. Rất nhiều vụ tai nạn được ghi nhận do nguyên nhân người lái bị hạn chế tầm nhìn, không xử lý kịp tình huống khi lái xe trong điều kiện sương mù dày đặc. Do đó sương mù được xem là “tử thần giấu mặt” trên các cung đường. Khi lái xe đường sương mù, để đảm bảo an toàn, người lái cần có kinh nghiệm, kỹ năng lái xe nhất định.
Xem thêm:
- Kinh nghiệm, kỹ năng lái xe ô tô ban đêm an toàn
Kinh nghiệm lái xe trời sương mù
Bật đèn sương mù
Phần lớn xe ô tô hiện nay được trang bị sẵn đèn sương mù phía trước (còn gọi là đèn gầm hay đèn phá sương). Đèn sương mù có nhiệm vụ định vị và hỗ trợ tăng sáng khi xe chạy trong điều kiện hạn chế tầm nhìn như sương mù, mưa phùn… Ưu điểm của đèn sương mù là chiếu sáng tầm thấp nên không làm chói mắt người lái xe ngược chiều. Khi lái xe đường sương mù, một trong những điều đầu tiên cần làm là bật đèn sương mù trên xe.
Xem thêm:
- Cách chỉnh gương chiếu hậu ô tô tăng tầm quan sát
- Hướng dẫn chỉnh ghế lái xe ô tô đúng cách
- Vị trí ngồi trên xe ô tô nào an toàn và nguy hiểm nhất?
Bật đèn cos, không bật đèn pha
Theo kinh nghiệm lái xe trời sương mù của nhiều bác tài, khi lái xe đường sương mù nếu trời quá tối chỉ nên bật đèn cos, không nên bật đèn pha. Tuy đèn pha có cường độ ánh sáng mạnh hơn, chiếu xa hơn nhưng do trời có sương mù dày nên ánh sáng của đèn sẽ bị phản xạ ngược lại. Điều này khiến người lái khó quan sát hơn. Một thí nghiệm tại Mỹ cũng đã chứng minh được. Do đó khi lái xe trời sương mù nếu bật đèn trước nên chọn chế độ cos chiếu gần, không nên bật đèn pha chiếu xa.
Giữ tốc độ và khoảng cách an toàn
Cách lái xe trong sương mù khó hơn bình thường do tầm nhìn hạn chế hơn, đường sá trơn trượt hơn. Do đó cần chạy chậm, giữ tốc độ và khoảng cách an toàn, tránh bám đuôi quá sát xe trước để kịp thời xử lý nếu xảy ra tình huống bất ngờ.
Tránh phanh gấp, chuyển hướng đột ngột
Không chỉ tầm nhìn của bạn bị hạn chế mà tầm nhìn của những người lái xe khác cũng bị hạn chế tương tự. Do đó khi lái xe trời sương mù nên hạn chế phanh gấp, chuyển hướng đột ngột bởi có thể khiến những người lái xe khác không xử lý kịp. Mặt khác trời sương mù thường khiến đường bị trơn trượt nên rủi ro sự cố sẽ cao hơn bình thường.
Chạy bám theo vạch kẻ đường
Trong trường hợp trời sương mù quá dày đặc thì theo kinh nghiệm lái xe trời sương mù nên chạy xe bám theo vạch kẻ đường bên dưới, chạy đúng làn đường quy định để đảm bảo an toàn.
Bật sưởi kính lái
Khi trời sương mù nhiệt độ ngoài trời thường lạnh hơn nhiệt độ trong xe. Sự chênh lệch này sẽ khiến kính lái bị mờ. Để xử lý chỉ cần bật sưởi kính lái.
Tập trung quan sát
Do tầm nhìn hạn chế nên người lái càng không được lơ là chủ quan. Thay vào đó cần tập trung quan sát, nhất là quan sát mặt đường, xem mặt đường có ổ gà, lầy lội, trơn trượt hay không để điều chỉnh tốc độ phù hợp.
Chuyển về số thấp khi đổ đèo
Đường sương mù rất trơn, nên nếu đổ đèo đường sương mù thì cần chuyển về số thấp để hỗ trợ phanh động cơ, giảm áp lực cho hệ thống chân phanh. Với xe hộp số sàn khi đổ đèo hãy chọn số thấp. Với xe hộp số tự động có thể chuyển sang chế độ số tay thông qua lẫy chuyển số trên vô lăng hay chọn chế độ số thấp ở cần số.
Tùng Phan