Lọc dầu nhớt ô tô cần thay thế định kỳ nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động và tuổi thọ của các chi tiết trong động cơ xe.
Lọc dầu ô tô là gì?
Lọc dầu ô tô, hay còn gọi là lọc dầu động cơ, là một thiết bị quan trọng trong hệ thống bôi trơn của động cơ ô tô. Nó có nhiệm vụ chính là lọc bỏ các tạp chất, bụi bẩn và các mảnh vụn kim loại khỏi dầu động cơ, đảm bảo rằng dầu luôn sạch sẽ và duy trì khả năng bôi trơn hiệu quả. Dầu bẩn hoặc chứa tạp chất có thể gây hư hỏng nghiêm trọng cho động cơ, làm giảm hiệu suất và tuổi thọ của nó.
Tác dụng của lọc dầu ô tô
Dầu nhớt ô tô có tác dụng bôi trơn, làm mát, làm sạch (chống gỉ) cho động cơ. Do đó dầu nhớt sẽ mang theo luôn cả những mặt kim loại, tạp chất mà các chi tiết máy sinh ra khi vận hành, ma sát với nhau. Lọc dầu nhớt ô tô (hay cốc lọc dầu) có nhiệm vụ lọc bỏ những cặn bẩn này, để dầu tiếp tục tham gia vào quá trình vận hành động cơ với tình trạng tốt nhất.
Cấu tạo lọc dầu ô tô
Cấu tạo lọc dầu nhớt ô tô gồm có: van một chiều, phần tử lọc (màng lọc gồm các lớp phim xếp gấp), van an toàn và cốc lọc dầu (vỏ bọc bên ngoài).
Phần vỏ bọc (cốc lọc dầu) thường được phủ một lớp sơn có khả năng chống ăn mòn, giúp bảo vệ bộ lọc dầu tránh khỏi tác động nhiệt khi động cơ vận hành. Hệ thống van xả có chức năng điều chỉnh lượng dầu sạch phù hợp để đưa vào động cơ.
Nguyên lý làm việc của lọc dầu nhớt động cơ: Dầu sẽ được hút vào bầu lọc, đi vào các màng lọc. Các lớp phim (màng lọc) sẽ giúp lọc sạch cặn bẩn. Sau khi được lọc, dầu sẽ đi ngược ra theo lõi giữa của bầu lọc.
Khi nào cần thay lọc dầu ô tô
Các màng lọc trong lọc dầu khi lọc giữ cặn bẩn đến một giới hạn sẽ không thể tiếp tục lọc hiệu quả như ban đầu được nữa. Do đó cần phải thường xuyên thay lọc nhớt ô tô. Theo các nhà sản xuất khuyến cáo, thời gian thay lọc dầu ô tô định kỳ lý tưởng là sau mỗi 10.000 km vận hành. Để dễ nhớ có thể cứ 2 lần thay dầu động cơ ô tô (sau mỗi 5.000 km) thì sẽ thay lọc dầu 1 lần.
Xem thêm:
- Tại sao ô tô đề khó nổ?
- Nguyên nhân xe ô tô bị chết máy giữa đường
- Cách xử lý xe bị giật khi tăng tốc
Sẽ xảy ra chuyện gì nếu không thay lọc dầu?
Nếu xe không thay lọc dầu ô tô định kỳ, các phim lọc dầu sẽ bị đóng cặn dẫn đến làm tắc phin lọc. Trong trường hợp tệ hơn cặn bẩn quá nhiều có thể khiến màng lọc bị rách. Khi này dù dầu đi qua cốc lọc nhưng dầu cũng không thể được lọc sạch các cặn bẩn. Dầu bẩn sẽ đi trở ngược vào động cơ.
Khi dầu nhớt động cơ bị bẩn, các tác dụng như bôi trơn, làm mát, làm sạch, chống gỉ… đều sẽ không đạt hiệu quả. Điều này dễ dẫn đến tình trạng động cơ không được làm sạch, bị ma sát cao làm các chi tiết hao mòn nhanh hơn. Động cơ không được làm mát tốt khiến máy nhanh bị nóng, thậm chí có thể dẫn đến hiện tượng động cơ quá nhiệt.
Cách thay lọc dầu ô tô
Bước 1. Mở van xả
Đặt sẵn một mâm để hứng dầu tràn, mở van xả hết toàn bộ dầu động cơ cũ ra ngoài.
Bước 2. Tháo cốc
Đặt sẵn mâm để hứng dầu tràn bên dưới cốc lọc dầu. Dùng dụng cụ tháo lọc dầu vặn mở lọc dầu cũ đến khi thấy dầu bắt đầu tràn ra thì ngừng. Đợi dầu chảy hết ra ngoài rồi mới vặn tiếp để tháo cốc ra. Lưu ý giữ cốc thẳng đứng khi đưa ra ngoài vì trong cốc vẫn còn chứa dầu.
Bước 3. Vệ sinh
Vệ sinh sạch sẽ phần miệng lắp.
Bước 4. Đổ dầu nhớt mới vào
Mở cốc lọc dầu mới. Đổ đầy dầu nhớt mới vào cốc lọc dầu. Tra thêm dầu quanh miệng lọc dầu mới để tạo độ trám kín.
Bước 5. Cố định cốc lọc dầu
Đưa cốc lọc dầu vào vị trí cần lắp. Dùng tay xoay đến khi nào cảm thấy cốc đã được cố định chắc chắn.
Dùng tay xoay cốc lọc dầu đến khi cảm thấy được cố định chắc chắn
Bước 6. Siết chặt cốc lọc dầu
Dùng dụng cụ tháo/lắp lọc dầu siết chặt lại lần nữa.
Bước 7. Châm dầu mới
Châm dầu mới vào bình dầu động cơ ở khoang máy đến mức Full.
Bước 8. Kiểm tra lại
Khởi động động cơ. Chạy thử xe 1 vòng để dầu mới chảy vào hệ thống. Sau đó tắt máy đợi tầm 3 – 5 phút. Kiểm tra bình dầu trong khoang máy lần nữa. Nếu thấy mức dầu xuống dưới mức Full thì châm thêm cho đầy.
Những lưu ý khi thay lọc dầu ô tô
Thay định kỳ, thường xuyên
Để đảm bảo động cơ luôn vận hành ổn định và mượt mà, việc thay dầu nhớt và lọc dầu định kỳ là cực kỳ quan trọng. Dầu nhớt và lọc dầu đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ động cơ và duy trì hiệu suất hoạt động của nó. Vì vậy, người sử dụng xe cần chú ý đến việc bảo dưỡng và thay thế chúng đúng cách và đúng thời gian.
Vệ sinh sạch sẽ trước khi thay cốc lọc dầu
Khi bạn đã xả hết dầu cũ và tháo cốc lọc dầu cũ ra ngoài, việc vệ sinh khu vực lắp cốc lọc dầu là điều cần thiết. Sử dụng một miếng vải sạch để lau sạch bề mặt tiếp xúc giữa động cơ và cốc lọc dầu, giúp đảm bảo rằng không có cặn bẩn nào còn sót lại. Điều này sẽ giúp cốc lọc dầu mới hoạt động hiệu quả hơn và ngăn chặn các tạp chất có thể gây hại cho động cơ.
Thay thế bằng phụ tùng chính hãng
Để đảm bảo rằng cốc lọc dầu mà bạn thay thế là phụ tùng chính hãng và có chất lượng tốt, nên chọn những cơ sở sửa chữa ô tô uy tín và có dịch vụ chất lượng. Sử dụng phụ tùng chính hãng không chỉ giúp bảo vệ động cơ tốt hơn mà còn kéo dài tuổi thọ cho xe của bạn.
Mặc dù lọc dầu ô tô chỉ là một bộ phận nhỏ, nhưng nó lại đóng vai trò quyết định trong việc duy trì sự ổn định và trơn tru của động cơ. Vì vậy, việc lựa chọn cốc lọc dầu chính hãng và có chất lượng tốt là rất quan trọng để đảm bảo động cơ của bạn luôn hoạt động một cách tối ưu và bền bỉ.
Giá lọc dầu ô tô
Lọc dầu nhớt ô tô có nhiều loại khác nhau với nhiều mức giá khác nhau từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn. Tuy nhiên theo các chuyên gia để có được hiệu quả lọc nhớt tốt, thời gian sử dụng dài hơn nên mua lọc nhớt ô tô chính hãng. Giá lọc nhớt ô tô chính hãng thường dao động từ 300.000 – 600.000 đồng/bộ.
Với các dòng lọc dầu nhớt ô tô chính hãng, van một chiều và van an toàn có tính chịu nhiệt và độ bền cao hơn. Trong khi với hàng giá rẻ kém chất lượng, sử dụng sau một thời gian vẫn có thể bị lỗi dẫn đến mở sớm khiến dầu bẩn chưa lọc sạch đi ngược vào động cơ.
Đặc biệt, cấu tạo màng lọc của lọc chính hãng và lọc dầu giá rẻ rất khác biệt. Lọc dầu chính hãng thường có màng lọc cấu trúc kép gồm phần lọc thô và lọc tinh, đảm bảo dầu nhớt được lọc sạch nhất có thể. Còn hàng kém chất lượng đa phần màng lọc chỉ ở dạng 1 lớp, dễ bị tắc, xước, rách.
Xem thêm: