Nhiều nơi quảng cảo phủ nano kính xe ô tô mang đến khả năng chống bám nước đến “kỳ diệu”. Vậy thực hư thế nào? Có nên phủ nano kính xe?
Phủ nano kính xe ô tô là gì?
Sơn nano hay chất phủ nano là một dạng dung dịch được tạo thành từ các hạt có kích thước siêu nhỏ tính bằng nanomet. Chính vì kích thước siêu nhỏ này mà những nguyên tử trên bề mặt khi được sơn phủ sẽ chiếm tỷ lệ cao, phân bố dày đặc và liên kết chặt chẽ với nhau, tạo nên hiệu ứng bề mặt khác biệt so với các dung dịch sơn phủ ở dạng khối có kích thước lớn hơn nanomet.
Công nghệ phủ nano kính lái xe ô tô sử dụng dung dịch nano chuyên dụng phủ lên bề mặt kính lái một màng mỏng. Các hạt trong dung dịch phủ nano có cấu tạo siêu nhỏ, ở dạng trong suốt, bám chặt và dày đặc trên kính lái. Lớp phủ nano này đảm nhận vai trò bảo vệ bề mặt kính lái, tạo hiệu ứng chống bám chất lỏng tương tự “lá sen”.
Trong dung dịch phủ nano cho kính ô tô chuyên dụng thường có 4 thành phần cơ bản. Đầu tiên là chất nhựa hay Polymer giúp kết nối tạo thành một màng mỏng để phủ lên kính lái. Tiếp đến là chất dung môi như một số chất hữu cơ hay nước. Kế đó là Pigments chất có khả năng chống tia UV, giữ bề màu, tạo độ cứng hình thành một bề mặt siêu mịn nhằm chống bám nước và bụi bẩn. Cuối cùng là một số phụ gia nhằm hỗ trợ bảo vệ kính lái, ngăn cản quá trình bào mòn.
Xem thêm:
Có nên phủ nano cho xe ô tô không?
Không chỉ riêng trong việc sản xuất nano phủ kính mà công nghệ sơn phủ nano ngày nay được ứng dụng rất rộng rãi. Điển hình nhất là phủ nano kính ở các toà nhà cao ốc. Hầu như bề mặt kính ở tất cả các toà cao ốc hiện nay đều được phủ nano nhằm hạn chế bám bụi bẩn, giảm tần suất vệ sinh. Tương tự, việc phủ nano cho kính lái ô tô cũng đạt hiệu quả như vậy.
Thực tế phủ nano kính lái ô tô mang đến nhiều lợi ích:
- Hạn chế bám nước – bảo vệ tầm nhìn
Khi phủ nano cho kính lái sẽ hình thành hiệu ứng “lá sen” trơn láng chống bám. Theo đó, những hạt nước và bụi bẩn sẽ khó thể bám vào kính lái oto. Nếu lái xe trong mưa, nước sẽ khó đọng lại trên mặt kính. Đặc biệt, thay vì nước lan tràn tạo màng mờ trên kính, nước sẽ gom gọn thành hạt, thành dòng. Những hạt nước, dòng nước nhanh chóng trôi tuột đi hoặc bị văng khỏi mặt kính xe oto nhờ sức gió. Bùn đất, bụi bẩn, dầu mỡ… cũng được xử lý tương tự.
Theo nhiều chuyên gia, công nghệ nano phủ kính ô tô giúp hạn chế đến 60% – 70% nước, bụi bẩn đọng trên kính lái. Phủ nano kính lái giúp ngăn đọng nước, giảm thiểu tình trạng kính lái bị màng ẩm, màng mờ, gây nhoè, loá, cản trở tầm nhìn của người lái. Công nghệ nano phủ kính ô tô góp phần cải thiện đáng kể, mang đến cho người lái một tầm nhìn thông suốt, sáng rõ hơn, đặc biệt là khi xe di chuyển trong điều kiện thời tiết xấu hay đường nhiều bụi bẩn, bùn đất.
Không chỉ chống bám nước, hiệu ứng “lá sen” khi phủ nano kính lái được đánh giá có công dụng hỗ trợ “đắc lực” cho việc quét dọn kính của cần gạt mưa. Bởi phủ nano kính, bề mặt kính lái sẽ trơn nhẵn hơn, giúp cần gạt mưa ô tô hoạt động trơn tru, ếm ái và dễ dàng hơn. Từ đó tăng cường đẩy sạch, làm sạch mặt kính. Mặt khác, phủ nano kính xe còn giúp hạn chế tần suất hoạt động của gạt mưa khi chạy xe ở tốc độ trên 60km/h, bởi lúc này lượng nước bám, đọng trên kính lái đã được giảm thiểu đáng kể.
- Bảo vệ bề mặt kính lái
Ngoài chống bám nước, lớp nano phủ kính cho xe ô tô còn có công dụng bảo vệ bề mặt kính lái. Trước đây, dung dịch rửa kính và lưỡi gạt mưa thường tiếp xúc trực tiếp với bề mặt kính ô tô, ít nhiều trong thời gian dài cũng sẽ gây mòn kính. Đặc biệt, nếu sử dụng gạt mưa cũ, gạt bị xuống cấp không chỉ đẩy nhanh quá trình mài mòn mà còn có thể gây trầy xước mặt kính. Bên cạnh đó, việc xịt thẳng vòi phun nước áp lực cao vào mặt kính khi rửa xe cũng gây hại ít nhiều đến tuổi thọ kính lái.
Tuy nhiên, khi phủ nano cho kính lái, lớp phủ sẽ đóng vai trò như một màng chắn bảo vệ kính toàn diện. Các chuyên gia đánh giá lớp phủ nano kính xe có khả năng chịu mài mòn tốt, hỗ trợ chống trầy xước kính do các tác động va quẹt từ bên ngoài. Lớp phủ còn chịu được áp lực cao, ngay cả khi xịt vòi rửa xe.
Đặc biệt, lớp phủ nano còn giúp ngăn cản quá trình kính lái bị oxy do tiếp xúc với nước mưa. Bởi khi này, kính lái đã được bảo phủ một lớp bảo vệ, ngăn tác hại của nước mưa, bùn đất và các dung dịch tẩy rửa kính. Chính nhờ khả năng bảo vệ này mà ngày nay sau khi đánh bóng kính xoá xước, nhiều nơi thường phủ thêm một lớp nano trên kính chắn gió để tăng cường bảo vệ kính.
- Giảm tia UV, giảm chói, giảm loá ánh sáng mạnh
Bị chói nắng, chói đèn là một trong những điều khó chịu nhất với người lái xe, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Với một số dung dịch phủ nano kính ô tô chất lượng ngoài khả năng chống bám nước, bảo vệ kính lái còn có khả năng giảm tác hại từ tia UV, giảm tình trạng chói loá do ánh nắng mặt trời hay ánh đèn pha từ xe đối diện, giúp người lái có tầm nhìn thông thoáng và an toàn hơn trong mọi điều kiện.
Phủ nano kính lái ô tô dùng được thời gian bao lâu?
Theo thông tin từ các nhà sản xuất dung dịch nano phủ kính ô tô, lớp phủ nano thường có thời gian hiệu quả từ 6 – 12 tháng tuỳ theo điều kiện môi trường sử dụng xe.
Nên dùng dung dịch phủ nano kính ô tô nào?
Hiện nay, hầu hết các loại dung dịch nano phủ kính đều nhập từ nước ngoài nên chi phí phủ khá cao. Theo nhiều người chuyên phủ nano ô tô cho biết, dung dịch phủ nano giá rẻ cũng có nhưng “giá càng rẻ thì lại bị pha càng nhiều các chất phụ gia, hiệu quả khi phủ sẽ không được cao, tuổi thọ lớp phủ cũng không bền”. Do đó, nếu muốn có được một lớp phủ nano kính oto đạt hiệu quả như mong muốn, người dùng nên dùng dung dịch phủ nano kính ô tô loại chất lượng, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Một số dòng dung dịch nano phủ kính lái ô tô có thể tham khảo như:
- Ultra Glaco Soft99: Ultra Glaco Soft99 là một dòng dung dịch nano phủ kính oto của thương hiệu chuyên sản phẩm bảo vệ và chăm sóc xe ô tô Soft99 đến từ Nhật Bản. Ultra Glaco Soft99 tạo lớp phủ nano dày có hiệu quả 1 năm sử dụng.
Cách phủ nano kính lái
Cách phủ nano kính lái ô tô bao gồm các bước thực hiện sau:
Bước 1: Vệ sinh sạch sẽ kính
Bước 2: Nhỏ dung dịch lên khăn mịn (thường đi kèm trong bộ sản phẩm)
Bước 3: Tráng đều theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ trái qua phải. Cứ 5 giọt phủ bề mặt có diện tích 40 x 40 cm.
Bước 4: Thực hiện tương tự để tráng phủ lớp thứ 2.
Nên phủ nano hay ceramic ô tô?
Phủ ceramic ô tô là công nghệ phát triển từ phủ nano. Về tác dụng cơ bản, phủ ceramic và phủ nano khá tương đồng, đều tạo “hiệu ứng lá sen” chống bám nước ô tô, bảo vệ kính lái, giảm chói loá… Tuy nhiên lớp phủ ceramic cứng hơn do làm từ gốm sứ kỹ thuật hoá nên có độ bền lâu dài hơn so với nano. Độ bền của lớp phủ ceramic từ 2 – 10 năm (tuỳ theo điều kiện môi trường sử dụng xe và việc bảo dưỡng lớp phủ). Trong khi phủ nano chỉ có tuổi thọ từ 6 – 12 tháng. Đây là lý do vì sao hiện nay người dùng xe đang có xu hướng chọn phủ ceramic thay vì phủ nano.
Dù có tuổi thọ không bằng phủ ceramic nhưng không thể phủ nhận rằng công nghệ phủ nano kính ô tô mang đến rất nhiều lợi ích thiết thực. Trong đó, hiệu ứng “lá sen” với khả năng chống bám nước được đánh giá là rất hiệu quả, giúp người lái có một tầm nhìn tối ưu, an toàn nhất.
Trần Quân
*Liên hệ 0777.669.486 để được tư vấn các ưu đãi khi đặt quảng cáo trên bài viết
Câu hỏi thường gặp về phủ nano kính lái
📌 Phủ nano kính có tác dụng gì?
Trả lời: Phủ nano kính lái ô tô có tác dụng tạo hiệu ứng “lá sen” giúp chống bám nước cho kính lái. Khi nước mưa rơi xuống kính lái thay vì đọng trên mặt kính thì lớp màng phủ nano sẽ giúp nước mưa nhanh chóng trôi tuột khỏi mặt kính. Từ đó giúp người lái có được tầm quan sát tốt hơn khi chạy xe dưới trời mưa.
📌 Phủ nano có chống trầy không?
Trả lời: Phủ nano tuy tạo một màng phủ nhưng độ cứng rất nhỏ. Do đó phủ nano chỉ hạn chế trầy xước, không chống trầy xước. Tuy nhiên thực tế thì khả năng hạn chế trầy xước của lớp phủ nano cũng không cao.
📌 Phủ nano có hại không?
Trả lời: Phủ nano không gây hại. Tác dụng chính có phủ nano là tạo độ bóng, trong và tạo hiệu ứng lá sen chống bám nước cho bề mặt được phủ.