VTEC và i-VTEC là các công nghệ mà Honda áp dụng cho động cơ nhằm tăng cao hiệu suất vận hành, tối ưu mức nhiên liệu và lượng khí thải.
Lịch sử ra đời của công nghệ VTEC
Đột phá với hệ thống van REV vào những năm 1980
Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của Honda đã đạt được một bước tiến lớn vào thập kỷ 1980 với hệ thống điều khiển van REV (Revolution-modulated valve control). Hệ thống này cho phép tạm thời ngưng hoạt động một van nạp hoặc van xả trên mỗi xi-lanh động cơ, chỉ kích hoạt khi cần thiết để tăng công suất, tương ứng với yêu cầu về lượng hỗn hợp nhiên liệu/khí thải lớn hơn.
Ứng dụng đầu tiên trên xe máy Honda CBR400F
Sự cải tiến này được ứng dụng lần đầu tiên trên chiếc Honda CBR400F vào năm 1983. Nhận thấy tiềm năng của công nghệ này trong việc nâng cao hiệu suất trên xe hai bánh, Honda đã tiếp tục nghiên cứu để áp dụng cho các dòng xe bốn bánh sau này.
Phát triển hệ thống VTEC cho xe ô tô
Dựa trên nền tảng của hệ thống REV trên xe máy, Honda đã phát triển hệ thống VTEC (Variable Valve Timing and Lift Electronic Control) với thiết kế trục cam kép (DOHC) dành cho xe ô tô. Hệ thống DOHC VTEC đã ngay lập tức cải thiện dung tích xi-lanh của động cơ bốn kỳ, giúp tăng hiệu suất ở vòng tua cao và tiết kiệm nhiên liệu ở vòng tua thấp.
Giới thiệu hệ thống VTEC vào năm 1989
Kể từ khi được giới thiệu lần đầu vào năm 1989, công nghệ VTEC đã thay đổi hoàn toàn cách thế giới nhìn nhận về động cơ, đem lại hiệu suất vượt trội cùng khả năng tiết kiệm nhiên liệu ưu việt.
Công nghệ VTEC tại Việt Nam
Công nghệ VTEC đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam trên mẫu xe Honda Civic vào năm 2006. Đây cũng là lần ra mắt đầu tiên của mẫu sedan hạng C này tại Việt Nam. Xe được trang bị các biến thể động cơ bao gồm: SOHC i-VTEC 1.8L (140 mã lực) và DOHC i-VTEC 2.0L (155 mã lực), mang lại sự lựa chọn phong phú.
Công nghệ VTEC của Honda là gì?
VTEC (Variable Valve Timing & Lift Electronic Control) là hệ thống biến thiên pha phân phối khí và điều khiển độ nâng van bằng điện tử được phát triển bởi hãng xe ô tô Honda. Chức năng của VTEC là tối ưu hiệu suất động cơ và tăng cao khả năng tiết kiệm nhiên liệu.
Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của công nghệ VTEC
Hệ thống VTEC cho phép động cơ chuyển đổi giữa hai biên dạng cam khác nhau theo từng chế độ tốc độ động cơ. Cụ thể, cấu tạo hệ thống VTEC về mặt cơ khí gồm trục cam có 3 vấu cam nạp trên 1 xi lanh động cơ. Trong đó, vấu cam ở giữa sẽ chịu trách nhiệm khi vòng tua máy cao, hai vấu cam còn lại làm việc khi vòng tua máy thấp. Nhờ vậy mà ở vòng tua máy thấp, hành trình đóng mở xupáp sẽ được giảm đi. Còn với vòng tua máy cao, hành trình đóng mở sẽ tăng lên.
Xem thêm:
- Các dấu hiệu lỗi hỏng bơm xăng ô tô
- Ưu nhược điểm các loại bơm cao áp ô tô VE, PE, PF…
- Các nguyên nhân khiến áp suất dầu ở mức thấp
Công nghệ cải tiến i-VTEC của honda là gì?
i-VTEC là hệ thống được phát triển dựa trên sự kết hợp hệ thống VTEC (Variable Valve Timing & Lift Electronic Control) và hệ thống VTC (Variable Overlap Timing Control). Trong đó VTC là hệ thống điều khiển biến thiên van theo thời gian. VTC giúp thay đổi góc lệch của cam nạp và cam xả trên cùng một xi lanh nhằm thay đổi góc trùng điệp của xupáp nạp và xupáp xả.
Với việc kết hợp VTEC và VTC, hệ thống i-VTEC có khả năng điều khiển liên tục thời điểm đóng/mở của cam nạp trên toàn dải tốc độ phù hợp với tình trạng vận hành của động cơ. Từ đó giúp nâng cao hiệu suất động cơ.