Dầu phanh ô tô: Giá dầu, cách kiểm tra và thay dầu

Dầu phanh ô tô cần kiểm tra và thay thế định kỳ. Nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống phanh, thậm chí có thể gây mất phanh.

Theo một nghiên cứu, trung bình khi xe ô tô chạy khoảng 16.000 – 25.000 km thì sẽ có hơn 75.000 lần đạp phanh. Qua đây có thể thấy tầm quan trọng và mức độ sử dụng thường xuyên của phanh xe. Vì thế, để đảm bảo hệ thống phanh ô tô hoạt động tốt cần thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng phanh, trong đó kiểm tra và thay dầu phanh là một hạng mục rất quan trọng.

Dầu phanh ô tô có tác dụng gì?


Dầu phanh hay dầu thắng (tiếng Anh là Brake Fluid) đóng vai trò quan trọng trong việc truyền lực giúp hệ thống phanh ô tô hoạt động. Bên cạnh đó, dầu phanh còn có tác dụng bôi trơn, giảm lực ma sát, chống ăn mòn, giúp các bộ phận trong hệ thống phanh có thể làm việc trơ tru và bền bỉ.

Dầu phanh đóng vai trò quan trọng trong việc truyền lực giúp hệ thống phanh ô tô hoạt động
Dầu phanh đóng vai trò quan trọng trong việc truyền lực giúp hệ thống phanh ô tô hoạt động

Khi nào cần thay dầu phanh ô tô?


Cũng như các loại dầu động cơ, dầu hộp số… dầu phanh ô tô cũng bị hao hụt theo thời gian. Dầu phanh có đặc tính dễ hút ẩm. Theo nghiên cứu trung bình sau 1 năm vận hành, dầu phanh ô tô thường bị nhiễm 2% nước, mức này có thể tăng lên 8% sau 3 năm.

Dầu phanh khi bị nhiễm nước sẽ dễ sôi hơn, áp suất phanh giảm, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả phanh. Đặc biệt dầu phanh nhiễm nước còn có thể gây gỉ sét các chi tiết trong hệ thống phanh.

Mặt khác, khi hệ thống phanh làm việc, nhiều chi tiết ma sát với nhau dễ sinh ra muội than, khiến dầu phanh bị bẩn.

Do đó sau một thời gian sử dụng, dầu phanh sẽ bị biến chất, phẩm cấp không còn như ban đầu. Sử dụng càng lâu thì tình trạng biến chất và hao hụt dầu càng nặng. Xe bị thiếu dầu phanh, dầu phanh biến chất là một trong các nguyên nhân dẫn đến nhiều lỗi phanh ô tô thường gặp như phanh xe bị kêu, phanh bị nặng, bàn đạp phanh bị thấp, xe bị mất phanh… Đây chính là lý do cần thay dầu phanh ô tô định kỳ.

Thời gian thay dầu phanh ô tô sẽ tuỳ vào đặc điểm của mỗi dòng. Với các dòng xe phổ thông bình dân như Honda, Toyota, Mazda, Hyundai, Kia… thời gian thay dầu phanh ô tô thường là sau mỗi 3 năm sử dụng bất kể số km. Riêng với các dòng xe sang như Mercedes-Benz, Audi, BMW, Lexus… nhà sản xuất khuyến cáo nên thay dầu phanh xe sau mỗi 2 năm sử dụng hoặc sau mỗi 30.000 – 40.000 km.

Nên thay dầu phanh ô tô định kỳ sau mỗi 2 – 3 năm
Nên thay dầu phanh ô tô định kỳ sau mỗi 2 – 3 năm

Trong trường hợp xe sử dụng phanh liên tục, di chuyển nhiều trong môi trường bụi bẩn hay độ ẩm cao thì có thể thay dầu phanh sau sớm hơn. Để biết chính xác khi nào nên thay dầu phanh ô tô cần kiểm tra lượng dầu phanh và chất lượng dầu thực tế trong bình chứa.

Cách kiểm tra dầu phanh ô tô


Hiện nay các dòng xe ô tô thường được lắp cảm biến dầu phanh. Nếu dầu phanh xuống mức thấp, đèn báo trên bảng đồng hồ xe sẽ bật sáng. Tuy nhiên chủ xe cũng nên chủ động kiểm tra dầu phanh theo cách thức thủ công.

Cách kiểm tra dầu phanh xe ô tô rất đơn giản. Dầu phanh ô tô được chứa trong một chiếc bình nhỏ màu trắng đặt ở khoang động cơ. Trên nắp bình dầu phanh có in chữ Brake Fluid hay tem ký hiệu phanh màu vàng. Nếu tìm không ra, chủ xe có thể tìm vị trí bình dầu phanh ô tô trong sách hướng dẫn sử dụng xe hoặc liên hệ bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của hãng xe để nhờ trợ giúp.

Dầu phanh ô tô được chứa trong một chiếc bình nhỏ màu trắng đặt ở khoang động cơ
Dầu phanh ô tô được chứa trong một chiếc bình nhỏ màu trắng đặt ở khoang động cơ

Bình dầu phanh ô tô thường làm bằng nhựa màu trắng. Trên thân bình có in 2 vạch tương ứng với mức cao nhất (có chữ Fill to, Full hoặc Maximum) và mức thấp nhất (có chữ Add hoặc Minimum). Từ bên ngoài có thể quan sát được lượng dầu trong bình. Nếu lượng dầu đang gần mức thấp hoặc dưới mức thấp thì nên châm thêm dầu mới.

Có thể kiểm tra mức dầu phanh khi nhìn từ bên ngoài
Có thể kiểm tra mức dầu phanh khi nhìn từ bên ngoài

Ngoài kiểm tra lượng dầu trong bình cũng nên kiểm tra cả chất lượng dầu. Dầu phanh ô tô thường có màu vàng nhạt hoặc không màu. Sau một thời gian sử dụng sẽ chuyển màu đậm hơn. Tuy nhiên nếu màu đổi quá đậm, thậm chí chuyển sang nâu thì dầu phanh đã bị biến chất nặng. Khi này không nên châm thêm dầu mà cần tiến hành thay hoàn toàn dầu phanh mới.

Khi kiểm tra dầu phanh ô tô cần lưu ý chỉ quan sát mức dầu phanh từ ngoài, hạn chế mở nắp bình dầu phanh. Bởi dầu phanh rất kỵ không khí và hơi ẩm. Mở nắp bình dầu có thể khiến không khí lọt vào trong.

Cách thay dầu phanh ô tô


Khi kiểm tra dầu phanh nếu thấy dầu ở mức thấp nhưng chất lượng dầu vẫn còn tốt, màu vẫn sáng thì chỉ cần châm thêm dầu. Trong trường hợp sau 2 – 3 năm sử dụng, dầu phanh bị bẩn đậm màu hơn thì nên thay mới dầu phanh.

Các dụng cụ cần chuẩn bị để thay dầu phanh ô tô:

  • Bộ hút chân không, ống nhựa, bình nhựa trong để đựng dầu cũ
  • Bộ dụng cụ sửa xe, cần có cờ lê để mở van dầu thường là loại 8 mm hoặc 10 mm
  • Dầu phanh mới
  • Kích ô tô
  • Khăn lau
  • Chai xịt vệ sinh phanh ô tô (có thể mua của các hãng 3M, Wurth, Liqui Moly…)
  • Mỡ bôi trơn bu lông, ốc

Hướng dẫn thay dầu phanh ô tô:

Bước 1: Tháo bánh xe. Trước khi thay dầu phanh nếu hệ thống phanh ô tô đã lâu không được vệ sinh thì nên vệ sinh phanh ô tô trước bằng chai xịt vệ sinh phanh chuyên dụng.

Đầu tiên tháo bánh xe
Đầu tiên tháo bánh xe

Bước 2: Để thay dầu phanh trước tiên cần tìm vị trí đầu ống dẫn dầu phanh, tháo núm cao su bọc ốc xả, đặt ống nhựa xả dầu vào, đầu còn lại ống nhựa cho vào bình đựng. Sau đó mở van xả để dầu chảy vào bình. Cách xả này sẽ giúp ngăn tình trạng không khí bị hút ngược vào xy lanh phanh.

Tháo núm cao su bọc ốc xả
Tháo núm cao su bọc ốc xả
Đặt ống nhựa vào và mở van cho dầu xả ra
Đặt ống nhựa vào và mở van cho dầu xả ra

Bước 3: Chèn một miếng gỗ hay một vật gì đó tương tự ở bàn đạp phanh. Điều này sẽ giúp ngăn bàn đạp bật xa khi áp suất dầu được giải phóng.

Bước 4: Trong lúc xả dầu phía dưới, mở nắp bình dầu phanh ở khoang máy ô tô dùng ống hút dầu để hút hết dầu cũ ra. Sau đó đổ dầu mới vào đầy bình. Đóng chặt nắp lại.

Hút hết dầu cũ trong bình dầu ở khoang máy
Hút hết dầu cũ trong bình dầu ở khoang máy

Bước 5: Nhờ một người hỗ trợ vào xe đạp bàn đạp phanh. Sau đó nhấn giữ phanh bằng một lực ổn định. Khi này bạn siết bu lông van xả, rồi nới ¼ vòng. Điều này sẽ giúp xả hết dầu cũ còn sót lại trong hệ thống. Quá trình này sẽ gồm các bước: đạp phanh > nới lại bu lông > nhả bàn đạp phanh > siết bu lông. Lặp lại quá trình này cho đến khi thấy dầu chảy ra trong bình đựng là dầu mới, không còn dầu bị bẩn cũ. Cuối cùng siết bu lông, tháo ống nhựa ra, lắp lại núm bọc cao su và lắp lại bánh xe.

Cần kết hợp đạp bàn đạp phanh và siết bu lông van xả để đẩy hết dầu cũ ra ngoài
Cần kết hợp đạp bàn đạp phanh và siết bu lông van xả để đẩy hết dầu cũ ra ngoài
Lặp lại nhiều lần quá trình trên đến khi dầu mới chảy ra
Lặp lại nhiều lần quá trình trên đến khi dầu mới chảy ra

Thực hiện tương tự 5 các bước trên ở mỗi bánh xe.

Bước 6: Kiểm tra lại mức dầu phanh trong bình dầu ở khoang máy. Nếu thấy thiếu thì châm đến gần mức cao – Maximum.

Kiểm tra và châm thêm dầu phanh ô tô lần cuối
Kiểm tra và châm thêm dầu phanh ô tô lần cuối

Sau khi hoàn tất, thử chạy xe trong khu đường vắng, tiến hành đạp/nhả chân phanh, quan sát cảm giác phanh thế nào, phanh có ăn không.

Các loại dầu phanh ô tô


Dầu phanh ô tô được pha chế từ dầu gốc tinh chế cao cấp kết hợp thêm các chất phụ gia đa chức năng để thoả mãn các điều kiện không thể nén, có thể bôi trơn bộ kẹp phanh, có nhiệt độ sôi cao.

Các loại dầu phanh ô tô đa phần đều có nguồn gốc Poly-Glycol, một hỗn hợp gồm nhiều thành phần khác nhau. Về cơ bản, thành phần dầu phanh ô tô có thể chia ra làm 4 thành phần chính:

  • Chất ức chế giúp chống sự oxy hóa, ăn mòn.
  • Modifier-Coupler giúp điều chỉnh sự phồng lên của các bộ phận cao su không được che chắn.
  • Dung dịch hòa tan chiếm từ 50 – 80% dầu phanh. Đây là thành phần chính quyết định độ nhớt và điểm sôi của dầu. Dung dịch hòa tan phổ biến thường là Glycol.
  • Chất bôi trơn thường là Polypropylene hay Polythene, chiếm từ 20 – 40%, giúp các bộ phận hoạt động trơn tru.

Các loại dầu phanh thường được đánh giá theo tiêu chuẩn DOT. Đây là tiêu chuẩn được đưa ra bởi bội GTVT và Hiệp hội kỹ sư ô tô. Tiêu chuẩn DOT dựa trên các quy định về nhiệt độ sôi thấp nhất, khả năng duy trì hiệu suất trong điều kiện nhiệt độ thấp và cao của dầu.

Các loại dầu phanh thường được đánh giá theo tiêu chuẩn DOT
Các loại dầu phanh thường được đánh giá theo tiêu chuẩn DOT

Theo tiêu DOT, dầu phanh ô tô được phân chia thành các loại: DOT 2, DOT 3, DOT 4, DOT 5 và DOT 5.1. Trong đó dầu phanh DOT 3 và DOT 4 là 2 loại được sử dụng phổ biến nhất trên các dòng xe ô tô hiện đại ngày nay.

Dầu phanh DOT 3

Thành phần dầu phanh DOT 3 gồm Alcohol và Glycerin, không có chất vô cơ hay Silicon. Dầu DOT 3 được sản xuất dựa vào công nghệ Polyethylene Glycol Ether cho hiệu suất cao.

Đặc điểm:

  • Nhiệt độ sôi khô 205 độ C, nhiệt độ sôi ướt là 140 độ C
  • Khả năng sôi tốt ở tình trạng khô lẫn ướt
  • Không màu hoặc màu hổ phách
  • Nhiệt độ thấp không bị đặc quánh
  • Hiện tượng các bộ phân cao su bị phồng lên không nhiều, giảm tình trạng dầu bị rò rỉ
  • Hút ẩm không khí mạnh nên thời gian thay định kỳ thường ngắn do dầu nhanh bị nhiễm nước
  • Có thể trộn với dầu DOT 4 và DOT 5.1 vì có chung thành phần Glycol
  • Giá rẻ nhất trong các loại
Dầu phanh DOT 3 có giá thấp nhất trong các loại dầu phanh
Dầu phanh DOT 3 có giá thấp nhất trong các loại dầu phanh

Dầu phanh DOT 4

Thành phần dầu phanh DOT 4 gồm Glycol ether và các Este Borate giúp nâng cao hiệu suất và nâng cao điểm sôi ướt và khô.

Đặc điểm:

  • Nhiệt độ sôi khô 230 độ C, nhiệt độ sôi ướt là 155 độ C (cao hơn DOT 3)
  • Khả năng sôi tốt ở tình trạng khô, kém hơn ở tình trạng ướt
  • Không màu hoặc màu hổ phách
  • Khi bị ẩm thì nhiệt độ sôi sẽ giảm mạnh hơn DOT 3
  • Có thể pha trộn với dầu DOT 5.1, DOT 3 vì có chung thành phần Glycol
  • Giá bán cao hơn DOT 3
Nhiệt độ sôi của dầu phanh DOT 4 cao hơn DOT 3
Nhiệt độ sôi của dầu phanh DOT 4 cao hơn DOT 3

Khi sử dụng dầu DOT 4 cần thay dầu phanh định kỳ sau 2 năm. Bởi nếu dầu DOT 4 có thể hút ẩm qua hệ thống dẫn dầu phanh, làm giảm nhiệt độ sôi dầu, khiến dầu sẽ sôi nhanh.

Dầu phanh DOT 5

Dầu phanh DOT 5 là loại dầu Silicon, có thành phần gồm Hydrophobic, Polydimethylsiloxane và Tributylphosphate.

Đặc điểm:

  • Nhiệt độ sôi khô 260 độ C, nhiệt độ sôi ướt là 180 độ C (cao hơn DOT 3 và DOT 4)
  • Khả năng sôi tốt hơn DOT 3 và DOT 4
  • Màu tím
  • Không hút ẩm, thậm chí còn có tác dụng như một lớp bảo vệ giúp hệ thống tránh sự ảnh hưởng từ thời tiết.
  • Độ nhớt ổn định trong nhiều điều kiện khắc nghiệt
  • Dầu bị nở đáng kể nếu lẫn tạp chất
  • Không phù hợp sử dụng ở hệ thống phanh đã từng sử dụng qua các loại dầu DOT 3 và DOT 4 bởi các loại dầu này có gốc Glycol
  • Không phù hợp sử dụng ở hệ thống phanh anti-lock vì dầu DOT 5 có độ nhớt cao
  • Không phù hợp để trộn với các loại dầu DOT 4, DOT 4 và DOT 5.1…
  • Giá bán cao hơn dầu DOT 3 và DOT 4
Nhiệt độ sôi dầu phanh DOT 5 cao hơn DOT 3 và DOT 4
Nhiệt độ sôi dầu phanh DOT 5 cao hơn DOT 3 và DOT 4

Dầu phanh DOT 5.1

Dầu phanh DOT 5.1 là một loại dầu nâng cấp từ DOT 5. Thành phần dầu DOT 5.1 ngoài Silicon còn kết hợp thêm Este Borat và Polyalkylene Glycol Ether.

Đặc điểm:

  • Nhiệt độ sôi khô và ướt cao hơn DOT 5 mang đến hiệu suất vượt trội
  • Có thể trộn với các loại dầu có chứa Glycol nhưng không trộn được với DOT 5 do DOT 5 kỵ Glycol
  • Hút ẩm cao
  • Giá cao hơn DOT 3 và DOT 4
Nhiệt độ sôi DOT 5.1 cao hơn DOT 5
Nhiệt độ sôi DOT 5.1 cao hơn DOT 5

Mỗi loại dầu theo tiêu chuẩn DOT sẽ có những ưu nhược điểm riêng, phù hợp với các dòng xe và điều kiển sử dụng khác nhau. Dầu phanh DOT 5 hay DOT 5.1 tuy tiêu chuẩn cao nhưng chưa hẳn đã phù hợp với xe của bạn. Do đó để biết chính xác nên mua dầu phanh ô tô loại nào nên tham khảo sổ hướng dẫn sử dụng xe hay tham vấn trực tiếp từ thợ kỹ thuật của hãng. Thông thường nhà sản xuất sẽ khuyến cáo một loại dầu phanh cụ thể.

Giá dầu phanh ô tô


Giá dầu phanh dao động tuỳ theo tiêu chuẩn DOT và thương hiệu.

Bảng giá dầu phanh ô tô (tham khảo):

  • Dầu phanh DOT 3 dao động từ 80.000 – 180.000 đồng/bình 1 lít
  • Dầu phanh DOT 4 dao động từ 150.000 – 300.000 đồng/bình 1 lít
  • Dầu phanh DOT 5 dao đồng từ 300.000 – 500.000 đồng/bình 1 lít
  • Dầu phanh DOT 5.1 dao đồng từ 350.000 – 450.000 đồng/bình 1 lít
Giá dầu phanh dao động tuỳ theo tiêu chuẩn DOT và thương hiệu
Giá dầu phanh dao động tuỳ theo tiêu chuẩn DOT và thương hiệu

Dầu phanh nhiễm nước


Dầu phanh nhiễm nước là một trong các hiện tượng thường gặp sau một thời gian dài sử dụng xe. Dầu phanh nhiễm nước sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dầu, từ đó ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của hệ thống phanh.

Nguyên nhân dầu phanh nhiễm nước

Nguyên nhân dầu phanh nhiễm nước là do thành phần Glycol trong các loại dầu phanh DOT 3, DOT 4 hay DOT 5.1 có đặc tính hút ẩm mạnh. Dầu sẽ nhiễm hơi ẩm hơn nếu không khí lọt vào trong hệ thống phanh.

Dầu phanh ô tô thường có đặc tính hút ẩm mạnh
Dầu phanh ô tô thường có đặc tính hút ẩm mạnh

Trong quá trình hoạt động, vì ma sát cao nên hệ thống phanh sinh nhiệt lớn khiến dầu sôi tạo ra bọt khí. Bọt khí này sau đó ngưng tụ tạo thành nước.

Do đó sau một thời gian dài sử dụng dầu phanh sẽ bị nhiễm nước. Theo như số liệu nghiên cứu dầu phanh ô tô sẽ bị nhiễm nước 2% trong vòng 12 tháng đầu tiên, tăng lên 3% sau 18 tháng, tăng lên 7 – 8% sau 36 tháng. Dầu phanh bị nhiễm nước nhiều sẽ làm giảm khả năng bôi trơn, giảm áp suất dầu phanh. Đây chính là một trong các lý do vì sao cần thay dầu phanh định kỳ.

Cách xử lý khi dầu phanh nhiễm nước

Cách xử lý tốt nhất khi dầu phanh ô tô nhiễm nước là thay dầu phanh. Để tránh tình trạng tỷ lệ nhiễm nước trong dầu phanh cao nên chủ động thay dầu phanh định kỳ đúng hạn. Ngoài ra, cũng cần thường xuyên kiểm tra các bộ phận trong hệ thống phanh nhất là đường ống dẫn dầu phanh xem có rò rỉ không. Bởi khi bị rò rỉ sẽ vừa gây tình trạng hao dầu phanh, vừa làm dầu phanh dễ nhiễm ẩm.

Cách xử lý tốt nhất khi dầu phanh ô tô nhiễm nước là thay dầu phanh
Cách xử lý tốt nhất khi dầu phanh ô tô nhiễm nước là thay dầu phanh

Khi châm thêm dầu phanh mới vào bình dầu cần cẩn thận, châm càng nhanh càng tốt để tránh việc không khí lọt vào quá nhiều. Bởi nhiệt độ khoang máy thường cao, trong bình chứa có nhiều khí nên dễ dẫn đến tình trạng tích tụ hơi nước.

Áp suất dầu phanh ở mức thấp


Hệ thống phanh ô tô hoạt động dựa trên nguyên lý áp suất dầu phanh. Để hệ thống phanh hoạt động trơn tru thì mức áp suất dầu phanh phải ổn định. Nếu áp suất dầu phanh bị tụt thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất phanh. Từ đó có thể dẫn đến các hiện tượng phanh ô tô bị kêu, phanh bị nặng, bàn đạp phanh thấp, thậm chí là xe bị mất phanh

Nguyên nhân áp suất dầu phanh ở mức thấp thường vì xe bị thiếu dầu phanh. Lý do xe thiếu dầu có thể bởi xe không được châm dầu định kỳ hoặc xe bị rò rỉ dầu. Thông thường là nguyên nhân thứ hai. Hệ thống đường ống dẫn dầu phanh bị gỉ sét, bị mòn sau một thời gian sử dụng dễ dẫn đến dầu phanh bị rò rỉ.

Nguyên nhân áp suất dầu phanh ở mức thấp thường vì xe bị thiếu dầu phanh
Nguyên nhân áp suất dầu phanh ở mức thấp thường vì xe bị thiếu dầu phanh

Áp suất dầu phanh ở mức thấp cũng có thể do bộ gá đỡ cụm van bị sai lệch. Bộ gá đỡ cụm van có nhiệm vụ phân bố áp suất dầu phanh. Nếu gá đỡ bị lệch dễ khiến xe bị tụt áp suất dầu phanh.

Xe bị hiện tượng áp suất dầu phanh ở mức thấp làm giảm hiệu suất phanh, nghiêm trọng hơn có thể khiến xe bị mất phanh. Do đó nếu phát hiện xe bị hạ áp suất dầu phanh cần đưa xe đi kiểm tra càng sớm càng tốt.

Minh Hoàng

Bình luận