Kinh nghiệm, lưu ý khi lái xe ô tô trên đường cao tốc

Để tránh các rủi ro nguy hiểm nên tham khảo những kinh nghiệm, lưu ý, kỹ thuật khi lái xe ô tô trên đường cao tốc sau đây.

Kinh nghiệm lái xe đường cao tốc


Chọn làn đường phù hợp

Nhiều “tài mới” thường thắc mắc nên chọn làn đường nào trên cao tốc? Điều này sẽ tuỳ thuộc vào loại xe, tốc độ và trình độ của người lái. Mỗi làn đường sẽ có ưu nhược điểm riêng. Nếu cao tốc có 4 làn đường (không quy định loại xe) thì thông thường 2 làn bên trái sát tim đường sẽ là làn đường đồng tốc (tốc độ quy định giống nhau), làn ở giữa tốc độ thấp hơn, làn trong cùng là làn đường dừng khẩn cấp.

Đặc điểm các làn đường trên cao tốc:

Làn sát tim đường: Với làn đường này, xe ô tô có thể chạy tốc độ cao nhất trong các làn, quan sát tốt, chỉ cần căn một bên đường. Theo kinh nghiệm lái xe cao tốc, đây là làn đường chạy dễ nhất nếu đã có kỹ năng lái xe nhất định. Tuy nhiên làn đường này cũng nhược điểm là dễ bị bấm còi xin vượt nếu xe không chạy tốc độ cao.

Trên cao tốc, làn sát tim đường là làn cho phép chạy tốc độ cao nhất
Trên cao tốc, làn sát tim đường là làn cho phép chạy tốc độ cao nhất

Làn đồng tốc ở giữa: Làn đường này có ưu điểm có thể chạy tốc độ cao nhất trong các làn, quan sát tốt. Nhược điểm là phải căn hai bên. Điều này khá khó với người lái mới chưa nhiều kinh nghiệm. Nếu bị chệch tay lái, chệch làn sẽ rất nguy hiểm.

Làn tốc độ thấp: Làn đường này có ưu điểm có thể chạy chậm hơn, dễ căn đường, chỉ cần căn một bên. Nhược điểm là thường phải vượt xe tải lớn, xe container. Vì các loại xe này có trọng lượng lớn, chở nặng nên lưu thông tốc độ chậm hơn, do đó đa phần sẽ chạy làn đường này.

Từ những đặc điểm các làn đường cao tốc trên đây có thể thấy lý do vì sao những người mới lái, chưa có nhiều kinh nghiệm lái xe cao tốc thường chọn làn ngoài cùng bên trái, sát tim đường. Nói ra điều này không phải để “cổ vũ” cứ lên cao tốc là chạy ra làn ngoài cùng. Bất kỳ ai khi lái xe cũng đều trải qua giai đoạn làm quen và sau đó mới có thể từ từ nâng cao kỹ năng, tích luỹ kinh nghiệm. Do đó theo các hướng dẫn lái xe trên cao tốc, hãy tuỳ theo điều kiện, tình hình mà linh hoạt chọn làn đường phù hợp.

Xem thêm:

Chạy đúng tốc độ chỉ dẫn

Trên đường cao tốc luôn có hệ thống biển báo tốc độ, biển chỉ dẫn. Tuỳ theo tình hình thực tế mà mỗi đường cao tốc, mỗi đoạn đường sẽ có những chỉ dẫn khác nhau. Thông qua các biển báo này, người lái sẽ biết được đường có bao nhiêu làn, phân chia thế nào, tốc độ quy định mỗi làn ra sao…

Riêng quy định về tốc độ sẽ có tốc độ tối đa và tốc độ tối thiểu. Biển báo tốc độ tối đa trên đường cao tốc là biển màu trắng, viền đỏ, chữ đen. Biển báo tốc độ tối thiểu là biển màu xanh, chữ trắng. Tốc độ tối đa cao tốc không quá 120 km/h. Tốc độ tối thiểu cao tốc thường khoảng 50 – 60 km/h.

Khi lái xe trên đường cao tốc, người lái cần theo dõi các biển báo chỉ dẫn, nhất là biển báo tốc độ để chạy đúng tốc độ quy định ở làn xe của mình. Không chỉ cần lưu ý tốc độ tối đa mà cần nắm cả tốc độ tối thiểu để duy trì tốc độ phù hợp nhằm đảm bảo an toàn. Bởi trên cao tốc nếu chạy quá chậm cũng rất nguy hiểm.

Khi lái xe trên đường cao tốc cần chạy đúng giới hạn tốc độ cho phép
Khi lái xe trên đường cao tốc cần chạy đúng giới hạn tốc độ cho phép

Giữ khoảng cách an toàn

Một kỹ thuật lái xe trên đường cao tốc quan trọng đó là luôn giữ khoảng cách an toàn. Bởi điều này sẽ giúp người lái đủ thời gian để xử lý các tình huống bất ngờ từ phía trước, tránh va chạm, nhất là các vụ va chạm liên hoàn “dồn toa”.

Trên đường cao tốc thường có biển báo quy định cự ly tối thiểu giữa hai xe. Khi gặp biển báo này phải duy trì khoảng cách bằng hoặc lớn hơn trị số ghi trên biển báo. Còn trong điều kiện đường khô ráo bình thường, khoảng cách an toàn chung là:

  • Xe chạy tốc độ 60 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu 35 m
  • Xe chạy tốc độ từ 60 đến dưới 80 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu 55 m
  • Xe chạy tốc độ từ 80 đến dưới 100 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu 70 m
  • Xe chạy tốc độ từ 100 đến dưới 120 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu 100 m

Một lưu ý khi lái xe trên đường cao tốc, trong các trường hợp đặc biệt khiến tốc độ xe dưới 60 km/h, người lái cũng cần chủ động điều chỉnh khoảng cách phù hợp. Khoảng cách này sẽ tuỳ thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế.

Khi lái xe trời mưa, lái xe trời sương mù, lái xe đường trơn trượt… khoảng cách an toàn nên lớn hơn mức tối thiểu. Tấm nhìn càng hạn chế, điều kiện đường sá càng khó đi thì khoảng cách an toàn nên càng được tăng cao.

Kinh nghiệm chuyển làn, chuyển hướng trên cao tốc


Đủ điều kiện mới chuyển làn

Theo cách lái xe ô tô trên đường cao tốc, chỉ chuyển làn ở nơi cho phép chuyển làn. Trước khi chuyển làn cần quan sát kỹ các phía. Nếu đủ điều kiện an toàn hãy bật đèn xi nhan, quan sát lần cuối và thực hiện chuyển làn. Khi chuyển làn, tốc độ tăng, giảm hay giữ nguyên sẽ tuỳ vào tình hình thực tế, tốc độ quy định của làn mới vừa nhập vào.

Xem thêm:

Theo cách lái xe ô tô trên đường cao tốc, chỉ chuyển làn ở nơi cho phép chuyển làn
Theo cách lái xe ô tô trên đường cao tốc, chỉ chuyển làn ở nơi cho phép chuyển làn

Không chuyển làn liên tiếp

Một nguyên tắc lái xe trên đường cao tốc là không chuyển làn liên tiếp. Bởi điều cực kỳ nguy hiểm. Khi chuyển làn liên tiếp người lái sẽ rất khó kiểm soát được tình hình, nhất là ở làn chuyển tốc độ cao. Do đó nếu muốn chuyển nhiều làn hãy thực hiện tuần tự từng làn một. Sau khi chuyển một làn ổn định rồi mới chuyển sang làn kế tiếp.

Không chuyển làn gần điểm rẽ

Không chuyển làn khi đến gần điểm rẽ. Vì khi gần đến các điểm rẽ nhiều xe sẽ chuyển làn để chuyển hướng vào đường rẽ. Do đó tình hình sẽ phức tạp hơn. Thế nên nếu không có ý định rẽ thì nên hạn chế chuyển làn gần khu vực này.

Xem thêm:

Nếu chuyển hướng hãy chuẩn bị từ sớm

Nếu có ý định chuyển hướng vào đường rẽ để xuống cao tốc hãy chuẩn bị từ sớm. Theo kỹ năng lái xe đường cao tốc, cự ly an toàn trước điểm rẽ là 1 km, thời gian chuyển là 3 – 5 phút. Khi muốn chuyển hướng vào đường rẽ hãy chuyển từ làn ngoài cùng bên phải, không chuyển từ các làn giữa hay làn ngoài cùng bên trái. Điều này đã vi phạm nguyên tắc chuyển nhiều làn liên tiếp, rất nguy hiểm.

Trong trường hợp nếu không đủ thời gian, khoảng cách hay không thấy an toàn để chuyển hướng thì hãy di chuyển tiếp tục chờ đường rẽ tiếp theo. Tuyệt đối không chuyển hướng lấp lửng, thiếu dứt khoát.

Kỹ thuật vượt xe trên đường cao tốc


Trước khi vượt xe cần quan sát kỹ các xe chạy bên cạnh. Chỉ vượt khi đủ điều kiện. Có hai dạng vượt xe trên cao tốc là vượt khác làn và vượt cùng làn. Dù vượt dạng nào cũng cần quan sát kỹ. Trước khi vượt cần bật xi nhan hay đá phá để báo hiệu cho xe phía trước.

Khi vượt xe trên cao tốc cần chú ý quan sát và bật đèn xin vượt
Khi vượt xe trên cao tốc cần chú ý quan sát và bật đèn xin vượt

Vượt xe khác làn

Theo kinh nghiệm lái xe đường cao tốc, nếu vượt xe khác làn nên chạy xe đến vị trí sao cho xe mình lọt vào gương chiếu hậu của xe phía trước. Sau đó bấm còi, nháy đèn pha để ra hiệu cho người lái xe phía trước. Nếu thấy họ bật xi nhan theo hướng làn của mình thì có thể có vấn đề phía trước hoặc họ báo hiệu họ sắp chuyển làn. Khi này hãy giảm tốc độ để theo dõi tình hình.

Nếu xin vượt mà không thấy tín hiệu gì từ xe phía trước hãy đạp ga sao cho mũi xe mình chạy ngang với xe phía trước tầm 2 giây để quan sát tình hình. Nếu đường thông thoáng, không có vấn đề thì tiếp tục đạp ga mạnh để vượt dứt khoát.

Vượt xe cùng làn

Khi vượt xe cùng làn cũng cần báo hiệu bằng còi (nháy pha) kết hợp đèn xi nhan. Nếu thấy xe phía trước bật đèn xi nhan, nghĩa là họ muốn thông báo rằng phía trước đang có vấn đề gì đó hoặc họ sẽ chuyển sang làn khác để nhường đường. Khi này hãy giảm tốc độ để theo dõi tình hình.

Nếu báo tín hiệu xin vượt mà xe phía trước không có tín hiệu gì thì hãy chuyển sang làn bên cạnh. Sau khi chuyển làn áp dụng kỹ thuật vượt xe khác làn như trên. Khi chạy ở làn bên cạnh, hãy tăng tốc đến khi tạo được khoảng cách an toàn, xe phía sau nằm gọn trong gương thì mới nhập về làn cũ.

Xem thêm:

Cách nhập làn cao tốc


Nhập làn cao tốc sai quy định có thể dẫn đến rủi ro va chạm tai nạn rất cao. Do đó cần thật thận trọng. Cách nhập làn cao tốc an toàn như sau:

Bước 1: Bật đèn xi nhan

Trước khi lái xe vào đường cao tốc, cần bật đèn xi nhan để báo hiệu và xin đường.

Bước 2: Tăng tốc cùng vận tốc xe khác

Ở những đoạn vào cao tốc thường được bố trí một làn đường để xe tăng tốc chuẩn bị nhập làn vào cao tốc. Khi vào làn đường này hãy chú ý quan sát các xe phía sau ở làn cao tốc. Nếu thấy có một dòng xe liên tục chạy ở làn đường mà bạn muốn nhập vào thì hãy kiên nhẫn chờ đợi. Bởi khi đi từ đường nhánh bạn sẽ không được ưu tiên. Những xe khác có quyền nhường hoặc không nhường đường. Do đó hãy chú ý quan sát cẩn thận để tìm khoảng trống.

Khi nhập làn cao tốc cần quan sát, tìm khoảng trống an toàn để nhập làn
Khi nhập làn cao tốc cần quan sát, tìm khoảng trống an toàn để nhập làn

Bước 3: Tìm khoảng trống an toàn và nhập làn

Khi tìm được khoảng trống hãy tăng tốc và nhập làn với tốc độ xe cùng với tốc độ những xe khác.

Khi nhập làn cao tốc cần lưu ý nhập làn dứt khoát không lấp lửng, không nhập làn một cách đột ngột, thiếu quan sát, không có đèn tín hiệu báo trước. Ngoài ra nên hạn chế dừng ở làn tăng tốc nhập làn. Nếu xe quá đông, không tìm được khoảng trống hãy di chuyển tốc độ an toàn để chờ đợi.

Nguyên tắc về làn dừng khẩn cấp trên cao tốc


Làn dừng khẩn cấp trên cao tốc là làn ngoài cùng bên phải. Làn dừng khẩn cấp thường hẹp hơn những làn đường khác và tách biệt bằng vạch liền. Làn dừng khẩn cấp trên cao tốc có tác dụng để những xe gặp sự cố tấp vào và đỗ lại để chờ xe cứu hộ, tránh ảnh hưởng đến việc lưu thông những xe khác.

Khi xe gặp tình huống khẩn cấp muốn dừng vào làn khẩn cấp, người lái cần bật đèn cảnh báo nguy hiểm. Tiếp theo quan sát các xe di chuyển phía sau, tuần tự chuyển từng làn một cho đến khi vào làn dừng khẩn cấp. Tuyệt đối không chuyển làn liên tiếp.

Khi đã dừng xe ở làn khẩn cấp, vẫn bật đèn cảnh báo để thông báo các xe khác, nhất là khi lái xe ban đêm. Hãy đánh vô lăng về bên phải để phòng trường hợp có xe khác đâm vào, xe bạn sẽ lao ra ngoài thay vì lao ngược vào cao tốc. Cuối cùng kéo phanh tay. Sau đó liên hệ đến đơn vị cứu hộ gần nhất. Trên đường cao tốc thường có các biển in số điện thoại dịch vụ cứu hộ. Ngoài ra bạn cũng có thể tra cứu số điện thoại dịch vụ cứu hộ của đường cao tốc trên mạng.

Dừng đỗ ở làn khẩn cấp cao tốc rất nguy hiểm chỉ nên chỉ dừng đỗ trong trường hợp khẩn cấp
Dừng đỗ ở làn khẩn cấp cao tốc rất nguy hiểm chỉ nên chỉ dừng đỗ trong trường hợp khẩn cấp

Trong trường hợp xe không gặp tình huống khẩn cấp, tuyệt đối không tự ý dừng đỗ ở làn khẩn cấp, không được chạy vào làn khẩn cấp, không vượt xe khác ở làn khẩn cấp…

Những lưu ý khi lái xe trên đường cao tốc


Khi lái xe trên đường cao tốc, người lái cần lưu ý:

  • Không tự ý dừng, đỗ trên cao tốc ngoài trừ trường hợp bị sự cố.
  • Không quay đầu xe trên đường cao tốc.
  • Không đi ngược chiều trên đường cao tốc.
  • Không đi lùi trên đường cao tốc.
  • Hạn chế lái xe cạnh xe lớn như xe tải, xe container, xe khách… vì dễ lọt vào điểm mù những xe này, rất nguy hiểm

Các mức phạt khi vi phạm lỗi trên đường cao tốc


Theo quy định tại Điều 5, 6, 8, 9 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì mức xử phạt đối với người điều khiển ô tô vi phạm quy tắc giao thông trên đường cao tốc như sau:

Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng, hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng với các lỗi sau:

  • Lỗi không tuân thủ quy định khi vào hoặc ra cao tốc
  • Lỗi dừng xe ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc lề đường cao tốc
  • Lỗi chuyển làn không đúng nơi quy định hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên cao tốc
  • Lỗi không tuân thủ quy định khoảng cách an toàn với xe chạy phía trước trên cao tốc

Phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng, hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng với các lỗi sau:

  • Lỗi dừng đỗ xe trên cao tốc không đúng nơi quy định
  • Lỗi không có tín hiệu báo trước khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên cao tốc không đúng nơi quy định
  • Lỗi quay đầu xe trên cao tốc

Phạt tiền từ 16 – 18 triệu đồng, hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 5 đến 7 tháng với các lỗi sau:

  • Lỗi đi ngược chiều trên cao tốc (trừ xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định)
  • Lỗi đi lùi trên cao tốc (trừ xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định)

Lê Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không công khai.

*