Giá rẻ, thiết kế đẹp, công nghệ hấp dẫn nhưng các mẫu xe ô tô Trung Quốc tại Việt Nam lại không được đánh giá cao. Liệu có nên mua xe Trung Quốc?
Với số lượng xe được sản xuất và bán ra khổng lồ, Trung Quốc chính là thị trường ô tô lớn nhất thế giới hiện nay. Đây cũng nơi có nhiều thương hiệu, mẫu mã ô tô hơn bất kỳ quốc gia nào. Trong đó được phân chia thành ba nhóm chính gồm thương hiệu nước ngoài, thương hiệu quốc gia và thương hiệu liên doanh.
Có nên mua ô tô Trung Quốc?
Ưu điểm xe ô tô Trung Quốc
Giá rẻ
Một trong những ưu điểm xe ô tô Trung Quốc nổi bật nhất chính là giá rẻ, tính cạnh tranh rất cao. So với các dòng xe Nhật, xe Hàn đồng hạng, xe ô tô Trung Quốc thường có giá bán thấp hơn từ 30 – 50% trong khi các tính năng hay hiệu suất động cơ đều không thua kém, thậm chí còn hấp dẫn hơn. Đây là yếu tố then chốt giúp các dòng xe ô tô Trung Quốc về Việt Nam tạo được nhiều sự quan tâm, chú ý.
Trang bị hấp dẫn
Trang bị hấp dẫn là một điểm mạnh khác của các mẫu xe ô tô Trung Quốc tại Việt Nam. Đa số xe Trung Quốc đều sở hữu dàn tính năng rất hiện đại. Một số xe còn có nhiều công nghệ cao cấp tương tự xe sang châu Âu. Danh sách các trang bị tiện nghi và an toàn của xe Trung Quốc thường khiến người ta bị choáng ngợp.
Thiết kế đẹp mắt
Các dòng xe ô tô Trung Quốc tại Việt Nam còn sở hữu thiết kế hào nhoáng, ấn tượng. Từ diện mạo bên ngoài đến nội thất bên trong đều rất “nịnh mắt”. Tuy nhiên, người dùng cũng dễ dàng nhận ra không ít chi tiết được “lấy cảm hứng”, góp nhặt từ một số mẫu xe sang nổi tiếng của các hãng lớn như Audi, Land Rover, Jaguar, Volvo, Maserati…
Điển hình như mẫu Zotye Z8 từng rất “hot” khi mới về Việt Nam. Xe có phần đầu dễ gây nhầm lẫn với mẫu xe SUV Maserati Levante, còn phần đuôi làm người ta liên tưởng với Jaguar F-Pace, bộ mâm 5 chấu lại khá giống với Audi Q5.
Nhược điểm xe ô tô Trung Quốc
Chưa tạo được niềm tin
Độ tin cậy chính là một trong những vấn đề lớn nhất khiến đa số người dùng e ngại có nên mua xe ô tô Trung Quốc không? Bởi với những món đồ gia dụng thông thường, khách hàng có thể chấp nhận bỏ qua độ bền để có được giá mua rẻ, thiết kế đẹp hay công năng tốt. Nhưng ô tô là một tài sản lớn ở Việt Nam nên các yếu tố như chất lượng, độ bền, sự đảm bảo giá trị về sau… luôn được ưu tiên hàng đầu.
Theo nhiều chuyên gia ô tô, các dòng xe hơi Trung Quốc tại Việt Nam sở dĩ có giá rẻ là vì dùng động cơ Nhật thế hệ cũ ở dạng chuyển giao công nghệ. Những tiêu chí an toàn hay vận hành đồng bộ đều bị đánh giá thấp hơn các mẫu xe có thương hiệu đến từ Nhật, Đức, Hàn hay Mỹ.
Nhìn chung, xe Trung Quốc tại Việt Nam hiện nay chưa tạo được lòng tin, vẫn có nhiều nghi ngại về độ bền cũng như độ an toàn. Những yếu tố này khó thể chứng minh trong “một sớm một chiều” mà cần thời gian dài.
Thương hiệu chưa tạo được vị thế, dấu ấn riêng
Thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng luôn được xem xét đầu tiên khi mua ô tô. Bởi thông qua thương hiệu, người ta có thể đánh giá được phần nào chất lượng sản phẩm, chính sách bán hàng, mức độ phù hợp… Do ô tô là tài sản lớn nên hầu như ai cũng muốn mua một chiếc xe đến từ thương hiệu danh tiếng để có được sự đảm bảo tốt về sau.
So với những hãng xe Nhật – Hàn quen thuộc như Toyota, Honda, Kia, Hyundai… các hãng ô tô Trung Quốc tại Việt Nam còn khá xa lạ. Thậm chí nhiều hãng vẫn đang loay hoay trong việc tạo dựng thương hiệu, dấu ấn riêng.
Mất giá nhanh
Một nhược điểm xe ô tô Trung Quốc rất đáng ngại khác đó là mất giá nhanh. Do độ tin cậy và vị thế thương hiệu chưa cao nên xe hơi Trung Quốc cũ rớt giá khá mạnh, không chỉ mức lỗ cao mà còn rất khó bán lại.
Hệ thống đại lý, cơ sở bảo hành – bảo dưỡng ít
Hệ thống đại lý ô tô Trung Quốc cũng như các cơ sở bảo hành – bảo dưỡng tại Việt Nam còn rất hạn chế. Điều này gây khó khăn cho khách hàng khi muốn mua xe hay đưa xe đi bảo hành, bảo dưỡng xe về sau.
Ngoài ra, do độ phổ biến xe thấp nên hiếm có gara bên ngoài nào chuyên sửa xe ô tô Trung Quốc. Phụ tùng xe ô tô Trung Quốc để thay thế cũng tương đối ít. Đây là một điểm bất tiện lớn với người dùng xe.
—
Các mẫu xe ô tô Trung Quốc tại Việt Nam có ưu điểm giá bán rẻ, thiết kế thu hút, trang bị hấp dẫn nhưng lại gặp hạn chế lớn về độ tin cậy, chất lượng cũng như khả năng giữ giá và bán lại về sau.
Không ít ý kiến cho rằng mua xe ô tô Trung Quốc là một “ván bài may rủi”. Việc một số mẫu xe rầm rộ khi ra mắt nhưng lại âm thầm biến mất sau đó càng khiến người ta đặt dấu chấm hỏi về niềm tin.
Các hãng ô tô Trung Quốc tại Việt Nam
Dongfeng
Dongfeng (hay Đông Phong) là một trong 4 nhà sản xuất ô tô lớn nhất tại Trung Quốc. Dongfeng được thành lập vào năm 1969, ban đầu chuyên sản xuất xe thương mại nhưng về sau đã chuyển sang tập trung phát triển dòng xe du lịch. Đây cũng là hãng xe ô tô Trung Quốc có nhiều liên doanh nhất. Dongfeng từng thành lập liên doanh với Kia, Honda, Nissan, Renault…
Các mẫu xe ô tô Dongfeng được phân phối tại thị trường Việt Nam: Dongfeng Forthing T5 EVO, Dongfeng Fengxing T5, Dongfeng CM7, Dongfeng M3…
Zotye
Zotye được thành lập vào năm 2005 là một trong các hãng ô tô Trung Quốc khá nổi tiếng tại Việt Nam. Trước đây, Zotye chỉ tập trung sản xuất và xuất khẩu phụ tùng ô tô, nhưng về sau đã chuyển sang sản xuất ô tô nguyên chiếc.
Các mẫu xe ô tô Zotye được phân phối tại thị trường Việt Nam: Zotye Z8 (T700), Zotye Z8L (T800), Zotye Z3 (T300), Zotye Z300, Zotye Z500, Zotye Z700…
BAIC
BAIC là một trong 10 nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có năng suất cao nhất. BAIC được thành lập vào năm 1988. Vào giai đoạn đầu, BAIC chủ yếu hợp tác sản xuất xe cho các thương hiệu Mercedes-Benz và Hyundai. Đến năm 2010, công ty ra mắt thương hiệu ô tô con riêng của mình với tên BAIC.
Các mẫu xe ô tô BAIC được phân phối tại thị trường Việt Nam: BAIC Beijing X7, BAIC Q7, BAIC BJ40L, BAIC X55…
Brilliance
Brilliance được thành lập vào năm 2002 là một nhà sản suất ô tô, xe tải và linh kiện ô tô của Trung Quốc. Trong đó hoạt động chính của hãng xe là thiết kế, phát triển và sản xuất các dòng xe ô tô mang thương hiệu Brilliance. Ngoài ra, Brilliance còn liên doanh với BMW và Renault để sản xuất, phân phối dòng xe du lịch của các hãng này tại thị trường Trung Quốc.
Ở Việt Nam Brilliance được biết đến nhiều với mẫu xe Brilliance V7 – chiếc SUV mang nhiều dấu ấn của BMW.
MG
MG vốn là một nhà sản xuất ô tô của Anh, ra mắt từ năm 1920. Tuy nhiên sau đó MG phải trải qua nhiều lần thay đổi quyền sở hữu. Đến năm 2006, MG được Tập đoàn ô tô Nam Kinh mua lại và sau đó sáp nhập vào SAIC vào năm 2007.
Các mẫu xe ô tô MG được phân phối tại thị trường Việt Nam: MG5, MG ZS, MG HS…
Mạnh Phạm
Câu hỏi thường gặp về xe oto Trung Quốc
📌 Xe ô tô Trung Quốc có tốt không?
Trả lời: Các dòng xe ô tô Trung Quốc tại Việt Nam có giá bán, kiểu dáng và trang bị công nghệ rất hấp dẫn. Tuy nhiên độ tin cậy chưa cao do xe hơi Trung Quốc còn rất mới tại Việt Nam. Vì thế hiện tại khó thể đánh giá chính xác chất lượng hay độ bền của xe Trung Quốc mà cần thời gian trả lời.
📌 Hãng xe Trung Quốc nào tốt nhất?
Trả lời: Một số thương hiệu ô tô Trung Quốc được đánh giá cao như: BYD (đang mở rộng kinh doanh sang châu Âu), Geely (chủ sở hữu của Volvo và Lotus), SAIC (chủ sở hữu của MG), Changan (hợp tác sản xuất với Mazda và Ford), Dongfeng (hợp tác sản xuất với Honda, Nissan, Kia, Renault)…
📌 Xe ô tô Trung Quốc có các mẫu nào nổi tiếng tại Việt Nam?
Trả lời: Các mẫu xe ô tô Trung Quốc tại Việt Nam nổi tiếng có thể kể đến như: Zotye Z8, BAIC Q7, BAIC X55, Brilliance V7, Beijing X7, Dongfeng T5 EVO…
07/01/2024