Thu nhập bao nhiêu thì nên mua ô tô ở Việt Nam? Đây là thắc mắc của rất nhiều người. Vậy đâu là câu trả lời chính xác và hợp lý nhất?
Thu nhập bao nhiêu thì mua ô tô?
Thu nhập 8 – 10 triệu có nên mua ô tô?
Rất nhiều người thắc mắc lương 8 – 10 triệu có nên mua ô tô không, lời khuyên chân thành là không, nếu nhu cầu thực sự không quá cần thiết. Bởi chi phí trung bình nuôi một chiếc xe hatchback cỡ nhỏ giá rẻ hạng A hiện nay đã từ 40 – 50 triệu đồng/năm. Trong khi với lương 8 – 10 triệu đồng/tháng thì thu nhập chỉ từ 96 – 120 triệu đồng/năm.
Như vậy chi phí nuôi xe sẽ chiếm từ hơn 30% đến gần 50%. Điều này rất dễ gây áp lực tài chính. Bởi ngoài chi phí nuôi xe, bạn còn cần phải chi tiêu nhiều thứ cho cuộc sống của mình, cũng như để tích góp để dành tiền hay dự phòng các trường hợp rủi ro phát sinh trong tương lai.
Xem thêm:
Thu nhập 15 – 20 triệu có nên mua ô tô?
So với thu nhập từ 8 – 10 triệu đồng thì mức thu nhập 15 – 20 triệu đồng có thể “dễ thở” hơn khi nuôi một chiếc xe ô tô. Tuy nhiên, điều này chỉ khả thi khi bạn đã có sẵn một số tiền nhàn rỗi đủ để mua xe. Còn lương cố định hàng tháng chỉ phục vụ mục đích nuôi xe và chi tiêu cho cuộc sống.
Với thu nhập 15 – 20 triệu đồng/tháng, các mẫu xe nhỏ như Kia Morning, Toyota Wigo, Hyundai i10,VinFast Fadil, Honda Brio… được đánh giá là lựa chọn phù hợp. Bởi những dòng xe này có giá bán rẻ và chi phí nuôi xe như tiền xăng dầu, bảo dưỡng… cũng rất bình dân.
Còn nếu mua xe ô tô trả góp thì lương 15 – 20 triệu đồng vừa trả góp, vừa nuôi xe ô tô là khá “mạo hiểm”. Khi này, bạn phải đảm bảo nguồn thu ổn định hàng tháng, đồng thời cân đối tài chính thật tốt. Nhưng khả năng cao là sẽ phải “thắt lưng buộc bụng” trong các chi tiêu của mình.
Thu nhập 25 – 30 triệu có nên mua ô tô?
Thu nhập 25 – 30 triệu/tháng được đánh giá là mức khá ổn để nuôi một chiếc ô tô. Ở mức thu nhập này, ngoài xe hạng A, người mua có thể lựa chọn các mẫu xe sedan hạng B (như Toyota Vios, Honda City, Mazda 2,Kia Soluto, Hyundai Accent, Mitsubishi Attrage, Suzuki Ciaz), thậm chí hạng C (như Kia Cerato, Hyundai Elantra, Mazda 3) hay xe 5 chỗ gầm cao cỡ nhỏ (như Ford EcoSport, Hyundai Kona, Kia Seltos), xe 7 chỗ giá rẻ (Mitsubishi Xpander, Suzuki XL7, Suzuki Ertia, Kia Rondo)…
Chi phí nuôi xe của các mẫu xe cỡ nhỏ tầm 40 – 50 triệu/năm, còn xe cỡ trung tầm 50 – 90 triệu/năm. Tuỳ vào khả năng tài chính mà người mua cân đối, đưa ra lựa chọn phù hợp.
Thu nhập trên 40 triệu có nên mua ô tô?
Với thu nhập trên 40 triệu đồng thì hoàn toàn thoải mái để rước một chiếc ô tô về nhà. Ở mức lương này, ngay cả chưa có đủ tiền nhàn rỗi thì việc tiết kiệm tiền để mua ô tô hay mua ô tô trả góp cũng rất khả thi.
Thu nhập càng cao thì người mua càng có nhiều lựa chọn hơn, không chỉ các dòng sedan/hatchback, SUV/CUV,MPV, bán tải… ở phân khúc phổ thông, mà còn có thể chạm tay đến cả phân khúc xe hạng sang của các hãng như Mercedes-Benz, BMW,Audi…
Xem thêm:
- Top các dòng xe ô tô gia đình 5 – 7 chỗ đáng mua nhất
- Các xe ô tô phù hợp dành cho nữ ở từng phân khúc từ giá rẻ đến hạng sang
Như đã nói ở phần đầu, những lời khuyên thu nhập bao nhiêu thì mua ô tô trên đây chỉ mang tính chất tương đối. Người mua cần sáng suốt cân nhắc, tính toán theo trường hợp, khả năng cụ thể của mình để đưa ra quyết định chính xác nhất.
Khi nào nên mua ô tô?
Để sở hữu xe ô tô, không chỉ cần chi ra số tiền lớn ban đầu để mua xe, mà còn phải chi trả nhiều khoản phí nuôi xe ô tô trong suốt quá trình sử dụng xe như: tiền xăng dầu, phí qua trạm, phí giữ xe, phí bảo dưỡng – sửa chữa, phí bảo hiểm xe,phí bảo trì đường bộ,phí đăng kiểm…
Xem chi tiết: Các chi phí nuôi xe ô tô
Do đó, nếu muốn mua xe ô tô, ngoài chuẩn bị tiền mua xe, người mua còn nên dự tính cả đến khoản tiền mà mỗi tháng chi ra để nuôi xe. Chi phí nuôi xe ô tô phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: quãng đường di chuyển, loại xe, dòng xe, độ bền, mức tiêu thụ nhiên liệu…
Với câu hỏi thu nhập bao nhiêu thì mua ô tô hay lương bao nhiêu thì mua ô tô thì sẽ còn tuỳ vào từng trường hợp. Bởi nên mua ô tô hay không dựa vào thu nhập chưa hẳn đã chính xác, mà đúng hơn là phải căn cứ trên khả năng chi trả để mua xe và chi trả mỗi tháng để nuôi xe.
Xem thêm:
- Mua xe ô tô tháng nào rẻ nhất trong năm?
- Lần đầu mua ô tô nên mua xe gì? Nên mua xe cũ hay mới?
Ví dụ với người độc thân, không chịu áp lực kinh tế thì mức lương 30 triệu hoàn toàn thoải mái để mua và nuôi ô tô. Còn với người đã có gia đình, là trụ cột kinh tế chính, phải lo sinh hoạt phí, tiền ăn học của con cái… thậm chí đang “gánh” thêm một khoản trả góp lớn nào đó như trả góp mua nhà thì 30 triệu chưa hẳn đã ổn để mua xe.
Thế nên khi mua xe ô tô, dù đã có sẵn số tiền nhàn rỗi để mua xe thì cũng cần phải có cái nhìn xa và toàn diện. Nên tính toán tất cả các khoản chi tiêu và khoản tiền cần tiết kiệm tích góp trong một tháng. Sau đó lấy thu nhập trừ đi số này, rồi xem khoản tiền còn lại có đủ để nuôi xe không. Từ đó cân nhắc đưa ra lựa chọn phù hợp.
Ô tô là một phương tiện di chuyển trong rất nhiều loại phương tiện di chuyển khác. Khi mua ô tô cũng nên xét đến tính cần thiết, nhất là đang trong giai đoạn chưa ổn định về kinh tế. Không nên biến việc sở hữu ô tô trở thành gánh nặng tài chính mà nên để nó là một niềm vui.
Các yếu tố cần cân nhắc trước khi mua ô tô
Chi phí ban đầu
Việc xác định ngân sách và chi phí ban đầu là vô cùng quan trọng. Cần phải quyết định liệu có nên chọn mua xe mới hay xe đã qua sử dụng. Xe mới thường có nhiều ưu điểm như công nghệ tiên tiến, bảo hành dài hạn và ít lo lắng về vấn đề sửa chữa ban đầu. Nhưng kéo theo giá xe mới thường cao và giảm giá trị nhanh chóng. Trong khi đó, xe cũ có giá bán thấp hơn và giúp giảm bớt gánh nặng tài chính ban đầu. Tuy vậy, xe cũ lại tốn nhiều chi phí bảo dưỡng và sửa chữa hơn.
Mục đích sử dụng
Cần xem xét loại xe và mục đích sử dụng phù hợp. Việc chọn xe sedan, SUV, hay hatchback phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân và gia đình. Mỗi loại xe có các ưu điểm và hạn chế riêng. Vì vậy đây là yếu tố quan trọng để xem xét trước khi quyết định mua.
Chi phí duy trì hàng tháng
Chi phí duy trì hàng tháng cũng là một yếu tố quan trọng khi mua ô tô. Đầu tiên là chi phí nhiên liệu, cần đánh giá và tính toán chi phí dựa trên mức tiêu thụ trung bình của xe để biết được khoản chi này hàng tháng.
Tiếp theo là chi phí bảo dưỡng và sửa chữa. Nên cân nhắc đến các chi phí này định kỳ và những chi phí sửa chữa bất ngờ mà xe có thể phát sinh.. Điều này giúp dự trù chi phí và quản lý tài chính một cách hiệu quả sau khi sở hữu chiếc xe.
Lợi ích và hạn chế khi mua ô tô
Lợi ích
Mua ô tô mang lại sự tiện lợi,tự do di chuyển, giúp dễ dàng đi lại và điều chỉnh thời gian linh hoạt. Đặc biệt là trong các khu vực có phương tiện công cộng chưa phát triển, ô tô là phương án di chuyển tiện lợi và nhanh chóng hơn. Việc sở hữu ô tô cũng có thể nâng cao chất lượng cuộc sống và hình ảnh cá nhân. Đây là biểu tượng của sự thành công,độc lập cá nhân.
Hạn chế
Việc sở hữu ô tô cũng đi kèm với một số hạn chế. Chi phí duy trì hàng tháng bao gồm nhiên liệu, bảo dưỡng và bảo hiểm có thể đáng kể. Đặc biệt là đối với những người có mức thu nhập thấp. Việc này có thể ảnh hưởng đến khả năng tiết kiệm và đầu tư vào các lĩnh vực khác trong cuộc sống.
Ngoài ra, việc khấu hao xe là một yếu tố khác cần xem xét. Xe sẽ mất giá theo thời gian và việc này có thể ảnh hưởng đến giá trị tài sản cá nhân. Do đó, việc mua ô tô cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp với tình hình tài chính và mục đích sử dụng cá nhân.
Những bí quyết giúp tiết kiệm chi phí khi mua ô tô
Mua xe cũ chất lượng cao
Mua xe cũ chất lượng cao đòi hỏi bạn phải có kiến thức vững vàng về cách kiểm tra và lựa chọn. Bạn cần đặc biệt chú ý đến các yếu tố:
- Số km đã đi, lịch bảo dưỡng định kỳ.
- Việc kiểm tra sơ bộ ngoại thất và nội thất cũng rất quan trọng để đảm bảo xe được bảo quản tốt.
- Kiểm tra kỹ thuật xe bao gồm động cơ, hộp số, hệ thống phanh và treo.
Lập kế hoạch tài chính
Đặt ra một kế hoạch tài chính rõ ràng và cụ thể trước khi quyết định mua xe. Xác định ngân sách cho việc mua xe, kế hoạch trả góp nếu cần thiết, các chỉ tiêu phát sinh khác để bạn có thể tiết kiệm và tích lũy đủ tiền trước khi mua xe.
So sánh giá và đàm phán
Tìm hiểu và so sánh giá của các mẫu xe mà bạn quan tâm từ nhiều đại lý khác nhau. Đàm phán giá với các đại lý để có thể nhận được ưu đãi tốt nhất, bao gồm cả giảm giá và các dịch vụ bổ sung.
Tìm hiểu các chương trình khuyến mãi và giảm giá
Theo dõi và tận dụng các chương trình khuyến mãi từ nhà sản xuất và các đại lý ô tô. Các chương trình ưu đãi này thường bao gồm giảm giá đặc biệt, hỗ trợ trả góp lãi suất thấp hoặc các gói bảo hành mở rộng..
Thành Phạm
Thu nhập và chi tiêu thì lại khác nhau, vì thu nhập 20 triệu mà chi tiêu 10-12tr rồi thì cũng khó. Nếu mua ô tô mới thì khả năng hư hỏng ít, chỉ bảo dưỡng thì chi phí cũng không quá cao.